Đồng thuận xã hội
Quan trọng hơn, kết quả này còn của chính người dân. Nếu người dân không đồng lòng, người dân coi thường dịch bệnh, các lãnh đạo, chuyên gia cũng bất đồng quan điểm sâu sắc thì sẽ có nhiều phản ứng trái chiều. Và truyền thông sẽ phản ánh rõ điều đó.
Cho nên nói quyết tâm chính trị, quyết định của chính trị gia, cũng cần hiểu rằng nền tảng chính trị của họ tức là dân, dân chịu đồng thuận thì chính sách mới dễ làm, dễ thực thi và ngược lại. Dân chống lại, chính sách dù có nhân danh gì nữa cũng khó làm.
Là một giảng viên ở Anh, quan sát từ bên ngoài vào trong nước, một cách chủ quan tôi nhận thấy thành quả của việc người dân đồng thuận là ở vài chỗ:
Thứ nhất, sức chống chịu của người dân. Người dân Việt Nam gánh chịu nhiều loại khổ như thiên tai, bão lũ, đói rét, đã vượt qua chiến tranh... Trong bối cảnh tấm lưới an sinh xã hội chưa hoàn thiện, người dân chỉ có cách là tự lực, hay nói đúng hơn, tự thích nghi chịu đựng để vượt qua các khổ đau đó.
Tôi từng chứng kiến, nhiều em học sinh gượng bệnh tật, khó khăn để đi học, đi thi. Các em là những tấm gương đáng khâm phục. Trong khi đó, bên này có hàng chục chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên nhưng nếu có gì khó khăn là các bạn đã gào lên, than thở. Sự chống chịu, sức bật của một số bạn Tây cực thấp dẫn đến sức khỏe tâm thần không tốt. Trong đại dịch, họ kêu gào khắp nơi tạo ra một tình trạng loạn xì ngầu.
Ảnh: Phạm Hải |
Thứ hai, sự đòi hỏi của người dân với Chính phủ ở mức hợp lý. Người dân không đòi hỏi Chính phủ phải cung phụng, hỗ trợ mà nếu không được thỏa mãn thì ra đường đập phá, đốt xe như ở một vài nước có phúc lợi quá tốt.
Thứ ba, thành phần KOLs (key opinion leaders) chống vắc xin, chống giãn cách xã hội, coi thường bệnh dịch không có tiếng nói trên truyền thông chính thức, thậm chí họ không được ủng hộ trên mạng xã hội.
Thứ tư, một số quan điểm như “thà chết vài nghìn người vì dịch chứ không phong tỏa”, hay "chết đói đáng sợ hơn chết dịch" không chiếm ưu thế.
Chống dịch tốt sẽ không phải phong tỏa nhiều
Tôi xin nói thêm, quan điểm "chết đói đáng sợ hơn chết dịch" nghe có vẻ đúng, nhưng nó dựa trên một giả định: "chống dịch thì phải chết đói". Không phải. Chính phủ vẫn có thể tăng các gói hỗ trợ kinh tế để giúp cầm cự qua dịch. Quan trọng, nếu chống dịch tốt sẽ duy trì được hoạt động bình thường dài ngày hơn, phong tỏa ngắn ngày hơn, là tốt hơn là chống nửa vời dẫn đến nền kinh tế lâm vào trạng thái bán phong tỏa hay phong tỏa diễn ra ở một số quốc gia EU.
Mọi người có thể nói tới chuyện ngành du lịch Việt Nam tan hoang, nhưng thử nhìn Tây Ban Nha, Hy Lạp, những nước sống nhờ du lịch và cố tìm cách mở sớm rồi trúng đạn Covid-19. Họ thậm chí không làm du lịch nội địa được như Việt Nam.
Lấy ví dụ Hy Lạp. Họ có 6.000 tàu du lịch, 6 triệu khách du lịch đi tàu hàng năm, thế mà giờ ngành du lịch của họ chỉ là số 0 tròn trĩnh. Với hơn 20% GDP được tạo ra từ du lịch quốc tế, kinh tế Hy Lạp lâm vào tình trạng te tua nhất có thể.
Những nền kinh tế háo hức lễ hội, hay mở cửa kinh tế nhanh nhất, mỉa mai thay, sẽ dễ bị cấm cửa nhất vì nhiều khả năng là tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở chỗ đó cũng cao và họ lại không có đủ vắc xin. Hơn nữa, người dân nhiều khả năng không giữ giãn cách xã hội hợp lý do có tâm lý hồ hởi quá đà.
Không có vắc xin nào có tỷ lệ bảo vệ 100%, do đó không giãn cách xã hội một cách nghiêm túc thì phong tỏa lại chỉ là vấn đề thời gian.
Tóm lại, sự thận trọng của cả chính phủ và người dân, khả năng chịu đựng và sức bật trong dân là yếu tố làm nên kỳ tích của Việt Nam 2020 và cần tiếp tục trong thời gian tới đây dù sẽ còn rất gian khổ.
Ảnh: Trần Thường |
Niềm tin vào chính phủ
Nếu Việt Nam chống dịch hời hợt, có khi là vốn chảy ra ào ào chứ làm sao thu hút thêm vốn FDI hay FFI tốt.
Thận trọng trong chống dịch không có nghĩa là cần biến mình thành ốc đảo. Nếu ta thận trọng đủ rồi, ta cũng cần hé hé cửa để những người thận trọng như ta (chích vắc xin đủ, đến từ những nước số ca ít, có quan điểm cẩn thận với Covid) đến Việt Nam để làm ăn, đi lại, và... tiêu tiền. Ngành du lịch cần cú hích du lịch trong nước và quốc tế là sự thật.
Rủi ro dịch bệnh lan mạnh là có thật nếu các lễ hội quá lớn được tổ chức. Nên hạn chế các lễ hội lớn. Nhưng cũng cần để dòng khách du lịch dịch chuyển ở mức hợp lý, chỉ cần qui định giãn cách xã hội hợp lý ở những khu du lịch, vui chơi, để không cần phải phong tỏa hoàn toàn mà vẫn bảo vệ được người dân, và quan trọng là công tác phòng dịch, áp dụng các công nghệ mới để xác định và khoanh vùng ổ dịch tiềm năng nhanh nhất.
Việt Nam làm được tốt các đợt trước thì vẫn có thể làm được tốt đợt này, miễn là không chủ quan, giữ ý thức đúng.
Trong đợt dịch này tôi phát hiện có hai luồng quan điểm. Những người rất thận trọng, thà sai về diễn biến dịch, làm hơi quá chặt một chút, còn hơn là bỏ lỏng. Nhóm thứ hai, đặt câu hỏi làm chặt quá là vô lý, dân chết đói hết.
Vấn đề là nếu mỗi nhóm sai, cái giá phải trả là bao nhiêu? Nhóm thứ hai đặt cược sai, cái giá có thể là rất nhiều sinh mạng và rút cuộc thì cũng phải phong tỏa lâu hơn, tổn thất kinh tế còn lớn hơn.
Quan trọng hơn, nếu làm theo nhóm thứ hai và thất bại, niềm tin vào năng lực chống dịch của Chính phủ sẽ mất. Lúc đó những chính sách sau dù có đúng cũng không còn ai tin nữa. Đánh mất niềm tin vào chính sách là triển khai cái gì cũng khó. Thử nghiệm và sai lầm rồi thì lấy lại niềm tin rất là khó.
Ở Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson vất vả lắm mới lấy lại được chút niềm tin dựa vào việc tiêm chủng vắc xin diện rộng theo đúng kế hoạch, khiến người dân mới phần nào chấp nhận là chính phủ Anh đang biết họ đang làm gì.
Chính phủ Việt Nam có lợi thế là người dân tin tưởng vào nỗ lực của chính phủ trong phòng chống dịch.
Bản thân tôi tham gia rất nhiều cuộc họp ở đại học và nhận ra rất nhiều người vẫn có tâm lý là những biện pháp phòng dịch là quá chặt, không cần thiết từ tháng 9/2020. Nếu nghe theo mấy vị đó, có lẽ trường đại học nơi tôi giảng dạy giờ nghỉ luôn chứ làm sao mà hoạt động được. Khi dịch bệnh đã bùng thì không còn cơ hội thử lại nữa.
Trong vòng hơn một năm qua, trên nhiều bình diện, tôi rút ra bài học là cần thận trọng, dài hạn hơn là tâm lý nóng vội, đặt cược vì con người vẫn hiểu biết quá ít về con virus này.
Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
Phân vùng xanh - vàng - đỏ - xám tìm kế an sinh
TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp đảm bảo thực thi Chỉ thị 16 nhằm chặn đà lây lan của virus Sars-Cov-2, nhưng cần chú trọng đặc biệt đến an sinh xã hội, sinh kế và tâm lý của người dân.