Rạng sáng 31/1 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới – nCoV từ Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC).

Dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV đã khiến 213 người thiệt mạng và hơn 9.000 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo Bộ Y tế chiều ngày 31/1, báo chí đặt câu hỏi, việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu dựa theo nguyên tắc nào? Việt Nam đánh giá tình hình dịch ra sao?

{keywords}

Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp WHO trả lời tại buổi họp báo

Trả lời, bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của WHO tại Việt Nam cho biết, trong Điều 1 Điều lệ y tế quốc tế quy định 3 tiêu chí để quyết định một sự kiến y tế có trở thành tình trạng y tế toàn cầu hay không.

Thứ nhất, sự kiện gây quan ngại toàn cầu, có đặc biệt bất thường; thứ hai, có nguy cơ lây lan quốc tế; thứ ba, đòi hỏi mức độ đáp ứng toàn cầu.

Hiện dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc đã lân lan đến 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Các quốc gia thành viên đã được thông báo rất rõ. Với dịch viêm phổi cấp do virus corona mới, WHO đã triệu tập 2 cuộc họp vào ngày 22-23/1 và 30/1.

Cuộc họp đầu tiên, Uỷ ban khẩn cấp bao gồm các chuyên gia hàng đầu của thế giới từ nhiều quốc gia thời điểm đó chưa kết luận được sự kiện này đạt tiêu chí là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu. Đến ngày 30/1, khi diễn biến dịch lây lan nhanh, đặc biệt có bằng chứng lây lan từ người sang người, các thành viên thống nhất cao ban bố tình trạng khẩn cấp.

"Chúng tôi chia sẻ nỗi sợ hãi, thắc mắc của công chúng và các nhà báo về việc sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu. Tuy nhiên việc công bố không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ hay dịch bệnh đang đe doạ toàn cầu”, bà Otsu giải thích.

Theo bà Otsu, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp do dịch cần có sự phối hợp toàn cầu để làm việc cùng nhau, hỗ trợ nhau để đáp ứng dịch.

WHO đánh giá cao công tác giám sát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các ca nhiễm virus corona.

“Chúng tôi thấy rất rõ sự cam kết của Chính phủ Việt Nam với sự vào cuộc của tất cả các ban ngành để ứng phó với dịch bệnh”, đại diện WHO nhìn nhận.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thêm, đây là lần thứ 6 WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam chưa từng công bố tình trạng khẩn cấp. 5 lần trước WHO từng công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu gồm: đại dịch cúm  A/H1N1 năm  2009, bệnh bại liệt năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch do virus Zika năm 2016, đại dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 2019. 

Theo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết theo đề nghị của Thủ tướng. Trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên tại Việt Nam, cả 5 ca dương tính đều không phải là các ca lây lan trong cộng đồng. Tùy tình hình dịch, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan sẽ có tư vấn với chính phủ để có đáp ứng phù hợp.

Thúy Hạnh

Chuyên gia Bộ Y tế: Cháy khẩu trang y tế, khẩu trang vải tác dụng tương đương

Chuyên gia Bộ Y tế: Cháy khẩu trang y tế, khẩu trang vải tác dụng tương đương

- Nếu không có khẩu trang y tế, người dân có thể dùng khẩu trang vải để thay thế và giặt mới hàng ngày cho tác dụng ngăn virus corona tương đương.