-  "Tại Hong Kong, nếu Chung Hân Đồng bị khán giả tẩy chay khi lộ 100 ảnh mát với Trần Quán Hy, thì ở Việt Nam, càng bê bối nghệ sĩ càng nổi tiếng và tăng giá cátsê. Thế thì dại gì mà người ta không cố tình hở hang và phản cảm?’, Phó trưởng phòng Nghệ thuật – Cục NTBD Chu Thơm chia sẻ.

TIN BÀI KHÁC

Người xưa có câu nói: “sân khấu là thánh đường”, người đến đó thì phải bỏ những đôi giày bẩn của mình ngoài cổng”. Chính vì vậy những nghệ sĩ chân chính sẽ không bao giờ dám mang những lệch lạc trong suy nghĩ và hành xử thiếu văn hóa vào chốn thâm nghiêm ấy. Nhưng buồn thay, giờ đây cái Thánh đường ấy đang bị các cơn lũ những “thảm họa” của nghệ thuật biểu diễn như “thảm họa nhạc Việt”, “thảm họa phim Việt”, “thảm họa thời trang”, và mới nhất là “thảm họa phát ngôn” tấn công và làm cho ô uế nên dẫn đến sự ra đời của nhiều sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng đến mức đạt chuẩn phản văn hóa, phản cảm, nhởn nhơ xuất hiện trên thánh đường sân khấu, hành hạ khán giả,và gây tác động xấu tới xã hộ và giới trẻ. Đau lòng hơn, nhiều ý kiến ngậm ngùi phải khẳng định rằng những kẻ đã làm cho ô uế không ai khác chính là những con dân đang mưu sinh và không ít người nổi tiếng đã được tôn vinh trong Thánh đường đó.

Từ trái qua: Ca sĩ Thanh Thúy phát biểu ý kiến và PCT Hội Nghệ sỹ Việt Nam – CT Hội Âm nhạc TP.HCM – nhạc sỹ Trần Long Ẩn, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSƯT Vương Duy Biên, PGĐ Sở VH-TT&DL TP.HCM Võ Trọng Nam, CT Hội Nghệ sỹ sân khấu - NSND Lê Tiến Thọ chủ trì hội nghị

Đứng trước thực trạng không chỉ phản ánh sự xuống cấp trong tư duy, đạo đức làm nghề của một số diễn viên, ca sĩ, người mẫu khi tự phong mình là “nghệ sĩ có tính cách” mà còn cho thấy sự dễ dãi của truyền thông cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lí các cấp văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH-TT&DL TP.HCM tổ chức hội nghị Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn diễn ra trong ngày 27.12 tại TP.HCM. Với sự tham gia đóng góp từ 30 tranh luận và 18 ý kiến đến từ 122 lãnh đạo, quản lí văn hóa từ trung ương đến địa phương cùng đại diện cơ quan truyền thông báo chí, hội nghị đã thẳng thắn “mổ xẻ” những vấn đề có liên quan đến “thảm họa nghệ thuật” như tình trạng nghệ sĩ ăn mặc hở hang trên sân khấu; biểu diễn phản cảm; hát nhép; giễu cợt ngoài kịch bản; làm phim ẩu; biểu diễn thời trang chui; báo mạng tung hê những vấn đề nhạy cảm; ca sĩ kém tài muốn nhanh nổi tiếng bằng cách tạo xì-căng-đan và một số báo mạng hùa theo, khai thác những thông tin lá cải; nạn thương mại hóa truyền thông,…

Đủ lí do “tại anh, tại ả!”

“Nói một cách nghiêm túc, đời sống âm nhạc đang có những vết rạn. Tuy chưa phải là lớn, nhưng cũng đã sinh ra những nguy cơ. Không phải tự dưng mà công luận xã hội phải dùng đến những từ ngữ phản cảm, hỗn loạn, thậm chí còn là “thảm họa”. Vì họ không chấp nhận được những ca khúc có nội dung dung tục, buông thả, tùy tiện theo kiểu nhạc không ra nhạc, lời không ra lời, thật hổ lốn và lộn xộn. Ngoài ra cũng phải kể đến phong cách, trang phục của một số người biểu diễn không thể chấp nhận được, trái ngược với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Đó là góc nhìn của nhạc sĩ Hồ Quang Bình – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội về bộ mặt của làng giải trí Việt trong thời gian vừa qua.

Theo ông Bình, chính một phần những bài hát không được coi là bài hát đã làm hoen ố những giá trị đích thực của nghệ thuật biểu diễn đích thực. Chứng thực cho sự lắc đầu ngao ngán của mình, Chủ thích Hội Âm nhạc Hà Nội chia sẻ: “Một hai năm trở lại đây, xuất hiện trên mạng những bài hát như Đừng yêu em - Lê Kiều Như, Da nâu - Phi Thanh Vân, Tím si la bùm – Vũ Hà, Vọng cổ teen – Vĩnh Thuyên Kim, Ta là nhan sắc – Yến Trang, Mặt trái của sự thật, Thêm một lần đau – HKT, Cấm trẻ em dưới 18 – Tần Khánh, Nói dối – Phương My,… có nội dung dung tục, buông thả, tùy tiện.

Lại có những tai hại khác. Ví dụ album của nhóm Huyền Thoại được ghi rõ “Cấm người lớn trên 18 tuổi nghe!”. Có gì mà lạ vậy? Thì ra là do câu hát ghét thầy giáo: “… Cái ông thầy gì đâu mà lúc nào cũng nghiêm nghị, lên trả lời bài mà cứ cho ze-rô” hoặc “… Còn nhớ mình năm ngoái còn là đại ca trong lóp, giờ hàng ngày 5 tiết học phải ra quỳ ở hành lang thật là bức xúc lắm, trời ơi sao mà ghét ông thầy quá!”. Lại cả việc xuyên tạc bài hát Cô và mẹ của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” thành “Cô và mẹ là hai con cáo, mẹ và cô đấy hai mẹ mìn”,… Đó là những thí dụ đang làm xô lệch những giá trị thẩm mỹ, phá vỡ chuẩn mực lành mạnh, đẹp đẽ của đời sống nghệ thuật”.

Top vài "thảm họa nhạc Việt" lộng hành trong thời gian vừa qua

Với kinh nghiệm của một người từng làm công tác quản lí văn hóa, nhà viết kịch Chu Thơm – Nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật – Cục NTBD thẳng thắng chỉ ra nguyên nhân góp phần tạo nên “thảm họa nghệ thuật” chính bởi những nghệ sĩ thời nay thuộc thế hệ 8x, 9x - thế hệ mà người ta vẫn gọi là “thế hệ @”, “thế hệ gối ôm”, “thế hệ gấu bông” không trải qua chiến tranh hay khó khăn thời bao cấp, rành vi tính hơn thuộc lịch sử, thích lướt nét hơn đọc sách, sống theo trào lưu và dễ tác động bởi đòi hỏi nhu cầu sống cao, ích kỷ, cở mở về tình dục, thích khẳng định cái tôi, quyết đoán, liều lĩnh và tự tin quá nên mắc bệnh vĩ cuồng, phô trương và cuồng sex. “Bởi thế mới có chuyện một vài cô nàng khi có vòng một “khủng” bất thường liền dương dương tự đắc và dùng nó để xây dựng hình ảnh gợi cảm đến từng centimet và làm vũ khí hủy diệt các đối thủ khác. Rồi bệnh vĩ cuồng đã biến các cô thành bệnh thích nổi tiếng nhờ tai tiếng. Từ đó các cô ngạo mạn tới mức xem thường khán giả, phơi bày bộ phận nhạy cảm trước bàn dân thiên hạ, làm khán giả bị nhồi máu cơ tim, thậm chí bị đứt cả gân máu”, ông Thơm chia sẻ thêm.

Không chỉ “vạch tội” giới diễn viên, ca sĩ, người mẫu tự mãn để tung “thảm họa”, nhà viết kịch Chu Thơm còn không ngần ngại “tố” tội của giới truyền thông, báo mạng, báo giấy, đài phát thanh, đài truyền hình vì đã tiếp tay cho “thảm họa”. “Để khỏa lấp cho nghiệp vụ non yếu của mình, không ít phóng viên chỉ biết khai thác chuyện đời tư, chuyện nhăn nhít, chuyện bê bối của nghệ sĩ rồi tôn vinh họ là danh hài, diva, nữ hoàng đồ lót, nữ hoàng dancespot, siêu mẫu ngôi sao điện ảnh, truyền hình, “cặp kim đồng, ngọc nữ” và xưng tụng những nam nữ từng dính scandal nhơ nhớp là “hot girl”, “hot boy”, “top” này, “top” nọ. Chính sự nuông chiều và tôn vinh một cách thái quá của các phương tiện truyền thông đã làm các con bệnh “thảm họa nghệ thuật” bị nhờn thuốc trước dư luận. Trong khi đó, các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương vì chạy theo lợi nhuận đã hạ thấp khán giả bằng những bộ phim nhảm nhí trong “giờ vàng phim Việt” hoặc ủng hộ những sản phẩm âm nhạc “rác” chạy theo trào lưu giật gân, câu khách, các nghệ sĩ ăn mặc lai căng, quái dị, hở hang phản cảm trong các chương trình của nhà đài.

Không ít khán giả bức xúc rằng ai cũng có thể nhìn ra cái dở của phim Có lẽ nào tao yêu nhau, Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật và các chương trình ca nhạc phản cảm nhưng tại sao những người kiểm duyệt danh giá tại Đài Truyền hình Việt Nam lại không phát hiện ra? Hay là họ thông cảm với tiêu chí “90% doanh thu phụ thuộc vào cảnh nóng của phim” và mối lợi nhuận từ quảng cáo ăn theo đã làm họ mụ mẫm?”, nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật – Cục NTBD phân tích.

Nam vương Tiến Đoàn, diễn viên Kiều Chinh là một trong số nhiều nghệ sĩ từng bị lên án vì ăn mặc phản cảm

Riêng trước ý kiến cho rằng phải chăng khán giả cũng là người tiếp tay cho “thảm họa” sinh sôi, nảy nở, ông Thơm cho biết: “Đúng, khán giả chính là những người bỏ tiền ra mua để thưởng thức các chương trình phản cảm đó nhưng họ không có chính kiến, họ mắc bệnh a dua, đặc biệt khi có một bộ phận công chúng mắc bệnh thần tượng một cách vô lối và quan niệm cực đoan rằng, đã là thần tượng thì ai cũng đúng. Vì vậy họ đã cổ xúy cho bệnh cuồng phô trương, cuồng sex, các hành vi phản cảm, phản văn hóa của thần tượng”. Ngoài các ý kiến nhằm vào “người trong cuộc”, truyền thông, khán giả để quy tội làm ra “thảm họa”, các ý kiến thảo luận còn thống nhất rằng chính quy luật của kinh tế thị trường, thương mại hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng góp phần không nhỏ. Đặc biệt, bởi thực tế các cấp quản lí văn hóa từ trung ương đến địa phương – những người gác cửa thiên đàng vì chưa đủ tầm, tâm, tài, tiền và tình nên đã để lọt những chương trình biểu diễn nghệ thuật phản cảm cũng được đem ra “mổ xẻ” kỹ càng.

Sẽ cấm biểu diễn vĩnh viễn nếu cứ tung “thảm họa”!

Trong một ngày làm việc, hội nghị đã “mổ xẻ” những căn bệnh về “thảm họa nghệ thuật” nhưng tiếc thay các nghệ sĩ là những đối tượng có liên quan lại hoàn toàn vắng mặt, ngoại trừ nữ ca sĩ Thanh Thúy tham gia đóng góp ý kiến. Đặc biệt, dù có nhiều ý kiến chỉ trích vai trò của cơ quan quản lí báo chí, truyền thông trong việc nơi tay cho "thảm họa" nhưng hội nghị đã không có sự góp mặt của bất kỳ một đại diện nào thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông hay Sở Thông tin - Truyền thông. Tuy nhiên, với cái tầm của người có tâm về nghệ thuật biểu diễn, đã có nhiều ý kiến đưa ra để đẩy lùi “thảm họa”.

Ca sĩ Minh Hằng và Thu Minh cũng từng dính mác ăn mặc phản cảm trên sân khấu

Bàn về giải pháp nâng cao thẩm mĩ trong nghệ thuật biểu diễn, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhấn mạnh đến tính đồng bộ trong khâu tổ chức và quản lí biểu diễn. Theo đó, bà Châu cho rằng, với sự cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu, ông bầu nghệ sĩ cần có thêm nghề nữa là quản lí biểu diễn mang tầm quốc gia. Riêng lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cần phải là người cố vấn chuyên ngành pháp luật, lí luận và kinh tế để soạn ra những văn bản kín nhẽ, không hở sườn từ kiến thức về luật, để quyết định mang tính thuyết phục cao về chuyên môn và có mức xử phạt hợp lí vì là chuyên viên kinh tế. Riêng nhà báo Lương Xuân Đức – Vụ trưởng – Trưởng Ban VHVN báo Quân đội Nhân dân chú ý đến sự chồng chéo, lỏng lẻo trong cơ chế quản lí dẫn đến sự thiếu kiểm soát khi cấp phép “nhạc chợ”. Các chính sách về vấn đề bản quyền chưa được coi trọng cũng tạo ra “nhạc chợ”. Việc tổ chức các chương trình ca nhạc tràn lan từ trung ương đến địa phương nhưng thiếu kiểm duyệt cũng tạo ra những hiện tượng scandal bùng nổ.

Về phần mình, nhà viết kịch Chu Thơm trước khi mạnh dạn đưa ra những giải pháp căng cơ để triệt “thảm họa”, ông hóm hỉnh khẳng định: “Có một điều rất lạ là ở một số nước châu Á, khi bị dính bê bối thì thần tượng sẽ bị khán giả tẩy chay, điển hình như vụ cư dân mạng Hông Kong tẩy chay phim của Chung Hân Đồng và yêu cầu phải giải nghệ khi cô bị rò rỉ hơn 100 ảnh “mát” với Trần Quán Hy, thì ở Việt Nam, bê bối càng làm cho thần tượng nổi tiếng và tăng giá cátsê. Thế thì dại gì mà người ta không cố tình hở hang và phản cảm?”.

Đề cập tới vấn đề xử phạt, ông Thơm cho rằng chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ nghiêm, chưa đủ “đô” để khiến nghệ sĩ phải sợ. “Tại sao chúng ta không làm theo bóng đá: Cầu thủ dù nổi tiếng đến mấy nhưng đã ra sân là cũng bị xử lý như cầu thủ bình thường, nghĩa là nếu phạm luật cũng bị ôm thẻ vàng, lãnh thẻ đỏ và bị cấm thi đấu một vài trận? Tại sao chúng ta không làm theo bộ y tế: Thực phẩm không sạch là phải tiêu hủy? Tại sao chúng ta không làm theo giao thông ở một số nước tiên tiến: Xe bẩn không cho vào thành phố? Nổi tiếng đến mấy nhưng lái xe phạm luật là bị phạt? Và luật của Châu Âu: không cho du khách ăn mặc quần short, áo ba lỗ, áo trễ cổ, váy ngắn cũn cỡn, quần trễ cạp vào thăm chùa của họ? Đặc biệt, tại sao chúng ta không mạnh dạn cấm có thời gian và vĩnh viễn những nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn phản cảm, phản văn hóa cũng như cấp phát hành những “thảm họa nghệ thuật” ra giới showbiz. Nếu không có chế tài xử phạt nghiêm thì đừng mong sẽ sớm ngăn được những “thảm họa” đó. Khi đó, khán giả sẽ là người bị tra tấn vì phải thưởng thức những văn hóa “thảm họa” không đáng có”, nhà viết kịch Chu Thơm góp ý.

Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng CNTBD và nhà viết kịch Chu Thơm - Nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật – Cục NTBD

Riêng trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên cho rằng khán giả đừng quá bi quan và các nhà quản lí đừng vội “tô màu” khi nhìn lại bức tranh "thảm họa" giải trí Việt. Về vấn đề xử phạt và khả năng tạo ra luật để quản lí nghệ thuật biểu diễn, ông Biên khẳng định sang năm Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ trình lên Chính phủ để ra Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, sau đó tiến hành các bước cho sự ra đời Luật biểu diễn. “Luật sẽ được ban hành trong thời gian tới và chắc chắn, những nghệ sĩ thường xuyên ăn mặc phản cảm, tung ra những sản phẩm âm nhạc “thảm họa”,… sẽ bị xử phạt dưới hình thức cấm biểu diễn một thời gian hoặc vĩnh viễn chứ không chỉ dừng lại ở việc phạt vài ba triệu đồng như lâu nay", ông Biên khẳng định thêm.

Hà Nhuận Nam