Nhiều “ông lớn” dầu khí nước ngoài đang lần lượt rút lui khỏi các dự án lọc dầu nhiều tỷ đô ở Việt Nam do một phần lo ngại giá dầu khó phục hồi.

Trì hoãn và rút lui

“Hiện nay nhà đầu tư vẫn chưa có động thái gì mới để triển khai dự án. Chúng tôi vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án này. Nhà đầu tư hẹn đến giữa năm 2016 sẽ tính các bước tiếp theo”, một lãnh đạo của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định nhắc đến dự án lọc dầu Nhơn Hội với vốn đầu tư đề xuất lên tới 22 tỷ USD của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT).

Trong khi đó, vị lãnh đạo này cũng cho biết, việc chọn nhà đầu tư trong nước để cùng tham gia dự án cũng chưa có tín hiệu nào mới. 

{keywords}
Siêu dự án lọc hóa dầu luôn gây tranh cãi

Đã hơn 4 năm kể từ khi siêu dự án lọc dầu này được hé lộ và gây xôn xao dư luận, tiến độ dự án này vẫn chỉ dừng lại ở bản kế hoạch trên giấy. Cũng phải nói thêm, khởi điểm nhà đầu tư đề xuất dự án này là số vốn 28-30 tỷ USD và khi đó giá dầu vẫn cao ngất ngưởng.

Dù chưa thể nói gì về tương lai đại dự án này nhưng một trong những nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 được Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định đặt ra là “tập trung phối hợp, hỗ trợ Tập đoàn PTT Thái Lan lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai Dự án Tổ hợp Lọc - Hóa dầu Nhơn Hội; Xúc tiến thu hút các dự án phụ trợ cho Dự án Tổ hợp Lọc – Hóa dầu”.

Cách đây ít lâu, Tập đoàn Gazprom Neft (GPN - Nga) đã chính thức có thông báo không tiếp tục đàm phán việc chuyển nhượng 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Khi bày tỏ ý định mua 49% cổ phần của lọc dầu Dung Quất, Gazprom Neft đã đã đề xuất các gói ưu đãi với nhiều phương án khác nhau, trong đó phương án được Gazprom Neft trả giá cao nhất là khi được nhiều ưu đãi. Nhưng với sự rút lui này thì có vẻ các yêu cầu ưu đãi đã không có được sự gật đầu đồng ý.

Một tập đoàn khác cũng lặng lẽ rời bỏ dự án lọc dầu gần 4 tỷ USD ở Bà Rịa Vũng Tàu là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (QP). QP đã chính thức rút khỏi dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn với lý do là nằm trong định hướng tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển của QP. 

Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn là dự án liên doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn QP. Vào tháng 9/2015 tại Qatar, đại diện của PVN, SCG và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã làm việc với QP về các điều khoản chuyển nhượng phần vốn của QP trong dự án lọc dầu Long Sơn.

Giá giảm: Mạo hiểm đầu tư lọc dầu?

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp Hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Tôi ủng hộ việc các nhà đầu tư ngoại rút khỏi những dự án lọc dầu ở Việt Nam. Bởi vì trữ lượng dầu của Việt Nam không nhiều lắm, mỗi năm khai thác 14-15 triệu tấn dầu thô, như vậy chỉ 15-20 năm nữa là hết dầu. Nếu nhập dầu thô để sản xuất dầu tinh ở Việt Nam, rồi xuất khẩu thì giá trị gia tăng chỉ thêm 10%.

{keywords}
Khu kinh tế Nhơn Hội

“Gần đây trên thế giới nguồn cung dầu thừa, giá dầu giảm mạnh, cho nên DN đầu tư cũng không lãi bao nhiêu nên họ rút” – GS Nguyễn Mại chia sẻ.

Tại hội thảo ở Đại học Kinh tế Quốc dân cách đây ít lâu, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng: Giá dầu giảm mạnh nên nhiều chủ đầu tư không đầu tư thêm vào dầu nữa. Tập đoàn PTT của Thái Lan ở Bình Định nói luôn giá dầu giảm chúng tôi đầu tư làm gì. Hiện nay cả Mỹ, Trung Đông ngừng không triển khai tiếp các dự án như vậy.

Thực tế, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua đang khiến các DN năng lượng thế giới phải cắt giảm đầu tư. Hãng tư vấn Wood Mackenzie cho hay có đến 68 dự án dầu khí lớn với tổng trị giá 380 tỉ USD đã và đang bị trì hoãn.

Những dự án lọc dầu ở Việt Nam cũng không nằm ngoài tình hình chung này. Song, GS.TSKH Nguyễn Mại lại có góc nhìn tích cực trước thực tế này.

Theo GS Nguyễn Mại, các dự án lọc dầu cần vốn đầu tư lớn, song giá trị gia tăng không cao, lại tạo ra không nhiều công ăn việc làm, nên đóng góp ngân sách cũng không lớn.

“Một dự án như lọc dầu Nhơn Hội phải sử dụng hàng trăm ha đất, nhưng số lao động trong chỉ khoảng dăm nghìn người. Trong khi đó, 100 ha đất, mới chỉ sử dụng 65 ha song nhà máy điện tử Samsung ở Bắc Ninh đã có 45 nghìn người có việc làm. Trong lúc đó, lọc dầu ô nhiễm môi trường ghê gớm. Do đó, những dự án lọc dầu của các nước như Singapore thường làm ngoài đảo, hoặc làm ở biển.

“Quan điểm của tôi từ lâu là không nên thêm nhà máy lọc dầu nữa. Công suất các nhà máy như trong quy hoạch dầu khí đã là đủ rồi. Chúng ta có nhiều hiệp định thương mại tự do mới, có cơ hội chọn các nhà đầu tư vào công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, dại gì chọn lọc dầu", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển lưu ý: tình huống này chính là cơ hội để thay đổi. Đó chính là cơ cấu lại kinh tế để chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Hà Duy