Ba thế hệ trong một gia đình có tổng cộng 23 họa sĩ, trong đó 13 người là giảng viên bộ môn mỹ thuật. Dẫu cuộc sống trải qua bao thăng trầm nhưng họ vẫn cống hiến cho mỹ thuật và giáo dục nước nhà.
Thế hệ thứ nhất là họa sĩ Tạ Thúc Bình (1919 - 1998), một trong những họa sĩ đầu tiên tham gia thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) cùng với các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Trần Đình Cẩn, Nguyễn Đức Nùng… Ông cũng là người đã dành nhiều thời gian soạn chương trình Mỹ thuật dân gian để giảng dạy và vẫn còn sử dụng cho đến tận bây giờ.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình |
Từ sáng lập viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật
Họa sĩ Tạ Thúc Bình sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng chỉ có một mình ông theo ngành mỹ thuật. Những năm gia đình chuyển từ quê hương Bắc Giang về Hà Nội sinh sống, họa sĩ Tạ Thúc Bình là một trong số ít họa sĩ tham gia vẽ áp phích, tranh cổ động cho phong trào Việt Minh Cứu quốc khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ.
Con gái của ông, họa sĩ Tạ Diệu Tâm kể: “Những năm ấy, bố làm ở Ty Thông tin Tuyên truyền khu XII. Nhận thấy cái đẹp, cái duyên trong tranh dân gian Đông Hồ, ông đã lặn lội về làng tranh nổi tiếng này mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần đi tham gia kháng chiến. Ông thành lập phòng hội họa, sáng tác các thể loại tranh tuyên truyền, tập hợp các nghệ nhân hoàn thành những bản khắc gỗ và in tranh trên chất liệu giấy điệp, giấy dó - một sản phẩm dễ làm, có thể tự túc nguyên liệu - rất thích hợp với hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên và bất ngờ lý thú giữa hai dòng nghệ thuật: dân tộc truyền thống và Âu châu tân cổ điển, giữa những họa sĩ mới và những nghệ nhân cổ truyền”.
Nhắc đến cái tên Tạ Thúc Bình, làng hội họa biết đến ông là họa sĩ vẽ minh họa nhiều tác phẩm lịch sử, truyện tranh thiếu nhi cho các NXB, đặc biệt là NXB Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập (1957). Ngoài giờ lên lớp, đêm chong đèn ông vẽ theo đơn đặt hàng với các truyện nổi tiếng như Tấm Cám (1958), Bánh chưng bánh dày (1960), Con cóc là cậu ông Trời (1968), Sự tích trầu cau (1978).
Truyện, sách của các tác giả gắn liền với ký ức tuổi thơ như Phạm Hổ, Tô Hoài, Thy Thy đều có nét cọ của Tạ Thúc Bình. Tác giả của biểu tượng búp măng non với ngôi sao đỏ và hai chữ KĐ - logo của NXB Kim Đồng - là do họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ.
Ngoài vẽ tranh truyện, Tạ Thúc Bình còn để lại cho làng hội họa hàng trăm bức chân dung, trong đó có chân dung các anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Đến con, cháu, dâu, rể tiếp tục với mỹ thuật
Bức tranh Mùa lúa chín (tranh sơn dầu, vẽ năm 1952), một trong những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Tạ Thúc Bình |
Họa sĩ Tạ Thúc Bình đã đào tạo những thế hệ học trò giàu kinh nghiệm sư phạm và có tâm với nghề. Các con của ông cũng đã học được điều đó. Nhiều năm nay, dù tuổi cao sức yếu song vì niềm đam mê hội họa, họa sĩ Tạ Diệu Tâm, Tạ Diệu Hương vẫn tham gia dạy vẽ tại nhà ở TP.HCM. “Được truyền cảm hứng sáng tác cho học trò như là liệu pháp quên đi bệnh tật tuổi già”- họa sĩ Tạ Diệu Hương chia sẻ.
Sau họa sĩ Tạ Thúc Bình, các con của ông tiếp tục với mỹ thuật và giáo dục, như: Tạ Diệu Tâm, nguyên trưởng khoa Mỹ thuật - ĐH Kiến trúc TP.HCM; Tạ Diệu Hương, nguyên giảng viên khoa Mỹ thuật - ĐH Kiến trúc TP.HCM; Tạ Phương Thảo, nguyên giảng viên Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương; Tạ Trọng Trí, họa sĩ NXB Giáo dục Việt Nam. Các con dâu và rễ: Phạm Đỗ Đồng - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM; Hà Quang Phương, con rễ, đã mất, nguyên trưởng bộ môn Mỹ thuật - ĐH Kiến trúc TP.HCM; Nguyễn Hoàng, con rể, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM; Phạm Viết Hồng Lam, con rể, nguyên giảng viên trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương; Phạm Quỳnh Chi, con dâu, nguyên họa sĩ NXB Giáo dục Việt Nam.
Thế hệ họa sĩ thứ ba trong đại gia đình của cụ Tạ Thúc Bình, gồm: Phạm Huyền Trang, cháu ngoại, thiết kế trang phục, đạo cụ phục vụ cho các hãng phim; Hà Tuệ Hương, cháu ngoại, họa sĩ NXB Giáo dục Việt Nam; Nguyễn Thanh Liêm, cháu rể, họa sĩ phim hoạt hình Amada (Pháp); Hà Phương Minh, cháu ngoại, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP. HCM, tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật tại Mỹ, hiện sinh sống và làm việc tại Mỹ; Trần Cường, cháu rể, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM, hiện sinh sống và làm việc tại Mỹ; Nguyễn Long, cháu ngoại, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM; Nguyễn Thị Điệp, cháu dâu, giảng viên trường ĐH Hoa Sen; Nguyễn Đức Thịnh, cháu ngoại, hoạ sĩ tự do; Phạm Viết Minh Tri, cháu ngoại, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội; Phạm Viết Phương Hảo, cháu ngoại, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Italia; Tạ Quang Đức, cháu nội, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, họa sĩ thiết kế công ty Language Link; Lê Anh Thư, cháu dâu, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, thiết kế thời trang; Tạ Quang Linh, cháu nội, đang học Khoa Mỹ thuật, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
(Theo Trạc Tuyền/ Thể thao & Văn hóa)