CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa công bố quyết định của TAND cấp cao tại Đà Nẵng ngày 10/11 về việc đã thụ lý hồ sơ và hủy bỏ quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai trước đó đối với doanh nghiệp. 

Trước đó 26/4, Công ty Lilama 45.3 có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ gần 15 tỷ đồng. TAND tỉnh Gia Lai đã thụ lý hồ sơ và chấp thuận mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với công ty phố núi Gia Lai. 

Theo đơn đề nghị mới nhất, Đức Long Gia Lai nói rằng không mất khả năng thanh toán, không lâm vào phá sản. Vụ việc mới có bản án hiệu lực và số tiền phải thanh toán rất nhỏ, công ty cũng đang đàm phán và lên kế hoạch trả nợ cho đối tác.

Doanh nghiệp phố núi từng thực hiện lệnh chuyển 500 triệu đồng vào ngày 14/6 và 400 triệu đồng vào ngày 29/6 nhưng không thành vì tài khoản của Lilama 45.3 khi đó bị treo. Còn sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai tiếp tục chuyển trả tổng cộng 4 tỷ đồng trong tháng 10-11 và cam kết lộ trình thanh toán theo thủ tục thi hành án dân sự.

Theo TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đây là tình tiết mới chứng minh Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh khoản, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ. Vì vậy, cơ quan này hủy bỏ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong kinh doanh. 

Tiền thân của Đức Long Gia Lai là một xí nghiệp gỗ thành lập từ năm 1995, chuyên về chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Xí nghiệp ban đầu tọa lạc trên lô đất 9.700 m2 và có một dây chuyền chế biến gỗ thủ công bán tự động.

Sau thời gian gần 30 năm hoạt động, đại gia phố núi này đã phát triển thành tập đoàn đa ngành với các mảng từ truyền thống như gỗ, đá granite, khai khoáng, bến xe, khách sạn... đến các mảng mới như bất động sản, năng lượng, linh kiện điện tử, hạ tầng giao thông...

Công ty ghi nhận đỉnh cao kinh doanh trong giai đoạn 2015-2018 và bắt đầu sa sút trong một vài năm gần đây. Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, điển hình là các mức lỗ khủng 930 tỷ đồng năm 2020 hay lỗ gần 1.200 tỷ đồng trong năm ngoái. 

Tập đoàn cũng chưa thanh toán cho hầu hết khoản vay đến hạn trả, bao gồm nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các tổ chức khác. Điều này dẫn tới sự tồn tại yếu tố trọng yếu không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Tình hình có vẻ cải thiện một phần trong 9 tháng đầu năm 2023 khi công ty ghi nhận có lãi trở lại 50 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 380 tỷ đồng), bất chấp quy mô doanh thu vẫn bị thu hẹp gần 30% về khoảng 510 tỷ đồng.

Dù vậy, kết quả này vẫn là "muối bỏ biển" bởi công ty phố núi vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả đến đạt gần 4.600 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ vay tài chính. 

Trong văn bản giải trình hồi tháng 9, Đức Long Gia Lai thừa nhận doanh nghiệp gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho hay vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp ngân sách đầy đủ và có trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng.

Theo đó, Đức Long Gia Lai là công ty niêm yết với gần 50.000 cổ đông và hoạt động bình thường theo pháp luật, có tài sản khoảng 6.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ trả nợ cho các đối tác. Số nợ của Lilama 45.3 theo đó chỉ chiếm chưa đến 0,3% tài sản tập đoàn. 

TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét thấy quyết định mở thủ tục hồi tháng 10 của TAND tỉnh Gia Lai là có cơ sở. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm khi đó không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và không tổ chức cuộc họp để 2 công ty thương thảo thanh toán nợ.