Sáng 13/10, cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị bán tháo rất mạnh, giảm hết biên độ xuống 2.420 đồng/cp. Tới cuối giờ sáng, dư bán giá sàn cổ phiếu DLG lên tới hơn 7,7 triệu đơn vị, trong khi bên mua không có người đặt lệnh.

So với mức giá trên 10.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022, cổ phiếu DLG đã giảm rất sâu.

Cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai giảm mạnh sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với tập đoàn này. 

Trước đó, ngày 25/7, Công ty Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng.

Trong biên bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hồi đầu tháng 9, Tổng Giám đốc Nguyễn Tường Cọt cho biết, doanh nghiệp gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp ngân sách đầy đủ và có trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng.

duclonggialai dlg.jpg
Đức Long Gia Lai.

Ông Nguyễn Tường Cọt khẳng định, DLG không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính của doanh nghiệp đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.

Theo ông Cọt, khoản nợ của CTCP Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty. Khoản nợ này hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.

Doanh nghiệp cũng đã đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống thất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.

Gặp nhiều khó khăn

Đức Long Gia Lai vốn là một trong những doanh nghiệp lớn tại Gia Lai với tổng tài sản thời đỉnh cao lên gần 9.000 tỷ đồng. Doanh thu này đến từ nhiều lĩnh vực, từ gỗ, đá, nông sản, phân bón, môi giới bất động sản dịch vụ bến xe - xe buýt, năng lượng tái tạo và cả thu phí BOT.

Doanh nghiệp này thay đổi, thêm bớt ngành nghề kinh doanh liên tục.

Giữa năm 2016, DLG thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư công nghệ cao chỉ để sản xuất ốc vít... với nỗ lực tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Khi đó, một thành viên của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) là Mass Noble Investments Limited đã chính thức mua lại thành công Công ty Hanbit (Hàn Quốc) với tổng đầu tư ban đầu 10 triệu USD. 

dlgtoaanphasanoct2023.jpg
Đức Long Gia Lai giải trình về yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Với việc trở thành “chủ nhân” mới của công ty DLG-Hanbit Co. Ltd (Hanbit), DLG chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử Hàn Quốc, trở thành đối tác của các đại gia trong lĩnh vực này.

Đây là lần thứ 2 DLG lựa chọn hình thức mua bán sáp nhập (M&A) để sở hữu hoàn toàn một công ty nước ngoài. Hồi giữa năm 2015, Đức Long Gia Lai cũng đã có một thương vụ chưa có tiền lệ: phát hành gần 20 triệu cổ phiếu để hoán đổi nhằm mua lại Công ty Mass Noble Investments Limited của Mỹ, đồng nghĩa với việc trở thành chủ sở hữu nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ANSEN có trụ sở đặt tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Đến nay, mảng linh kiện điện tử đóng góp phần lớn doanh thu cho DLG. Công ty đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Đức Long Gia Lai cũng đầu tư mạnh vào mảng điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện ở Gia Lai với tổng công suất gần 4.000MW. Trong đó, phần lớn đang chờ được bổ sung vào quy hoạch.

Gần đây, tình hình kinh doanh của DLG không tốt. Doanh thu quý II/2023 đạt 289 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III và quý IV/2022, DLG lỗ. Còn trong quý I và II/2023 lãi thấp. Tới cuối quý II/2023, DLG còn lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng và tổng nợ phải trả gần 4.570 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai, do chưa thể xác định được giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của tập đoàn hay không.

Trước đó, trong năm 2020, Đức Long Gia Lai cũng từng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.