Thua lỗ triền miên, gánh nặng nợ lớn

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) là doanh nghiệp lớn có tiếng tại Gia Lai, xuất phát điểm từ ngành nghề chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp của Chủ tịch Bùi Pháp mở rộng hoạt động sang đa ngành và gây rúng động thị trường chứng khoán với thương vụ thâu tóm công ty linh kiện Mass Noble của Mỹ hồi năm 2015. Công ty này có nhà máy tại Trung Quốc.

Từ đó, doanh thu của Đức Long Gia Lai có thêm nguồn thu lớn từ mảng linh kiện điện tử. Đây cũng được coi là ngành nghề chiến lược của tập đoàn, bên cạnh gỗ, bất động sản, thủy điện, nhà hàng khách sạn...

Tuy nhiên, sau 20 năm hoạt động, Đức Long Gia Lai đã không bứt phá như mong muốn. Chiến lược đa ngành nghề với nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện điện tử... khiến doanh nghiệp của ông Bùi Pháp sa đà vào quá nhiều lĩnh vực và hoạt động không hiệu quả.

Đức Long Gia Lai sa sút, lỗ liên tiếp 2 năm vừa qua. Tính tới cuối quý I/2024, lỗ lũy kế lên tới 2.637 tỷ đồng, so với quy mô vốn điều lệ 2.993 tỷ đồng. Cổ phiếu xuống còn 1.960 đồng, chưa bằng cốc trà đá. Vốn hóa hiện đạt hơn 595 tỷ đồng.

DLG có vay nợ rất lớn, lên tới hơn 2.722 tỷ đồng tính tới cuối tháng 3; trong đó có gần 1.073 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

DLGtoaanphasanOct2023 phandoi.jpg
Đức Long Gia Lai là một tập đoàn có tiếng ở phố núi Gia Lai. Ảnh: DLG

Đức Long Gia Lai còn vay vài nghìn tỷ đồng nhiều ngân hàng như: BIDV, VietinBank, Sacombank. Tới cuối tháng 3/2024, DLG còn dư nợ Ngân hàng BIDV khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó có gần 1.329 tỷ đồng vay dài hạn.

Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT,...

Đức Long Gia Lai cũng có dư nợ khoảng 410 tỷ đồng tại VietinBank, thế chấp bằng quyền khai thác, thu phí các trạm BOT trên quốc lộ 14 thuộc tỉnh Đắk Nông.

Cổ phiếu DLG vào diện cảnh báo từ tháng 4/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2022. Từ 11/4/2024, DLG bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất là số âm.

Về trái phiếu, hồi cuối năm 2023, DLG chỉ thanh toán được một phần nhỏ trong tổng cộng 200 tỷ đồng gốc và lãi phải trả cho một lô trái phiếu. Lý do là tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Năm 2022, DLG cũng chậm trả gốc lãi trái phiếu.

Nửa cuối năm 2023, Đức Long Gia Lai lùm xùm với vụ việc bị Công ty Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng.

DLG khi đó cho hay, doanh nghiệp không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính của doanh nghiệp đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.

Tính bán "cỗ máy in tiền"

Theo công bố hôm 15/7, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết có kế hoạch cấu trúc lại khoản đầu tư vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble). Doanh nghiệp muốn thoái toàn bộ phần vốn góp tại công ty con này.

Trước đó, Đức Long Gia Lai đã đầu tư hơn 249 tỷ đồng, tương đương 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble.

Đây là thương vụ thu hút sự chú ý của giới đầu tư 9 năm về trước. Tháng 5/2015, Đức Long Gia Lai thông báo đã thâu tóm Mass Noble thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho các cổ đông của Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cp, tổng giá trị 249 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi là 1:1,4 (1 cổ phiếu DLG đổi 1,4 cổ phiếu Mass Noble).

DLG2024JulthoaivonMassNoble.gif
Đức Long Gia Lai muốn thoái toàn bộ phần vốn góp tại Mass Noble.

Giữa năm 2016, DLG thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư công nghệ cao chỉ để sản xuất ốc vít... với nỗ lực tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Khi đó, Mass Noble Investments Limited chính thức mua lại Công ty Hanbit (Hàn Quốc) với tổng đầu tư ban đầu 10 triệu USD.

Với việc trở thành “chủ nhân” mới của công ty DLG-Hanbit Co. Ltd (Hanbit), DLG chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử Hàn Quốc, trở thành đối tác của các đại gia trong lĩnh vực này.

Đến nay, mảng linh kiện điện tử đóng góp phần lớn doanh thu cho DLG. Công ty có 3 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong đó, nổi bật nhất là nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ANSEN, đặt tại TP. Đông Quảng (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Nhà máy có diện tích 40.000m2, chuyên sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, màn hình LCD... 

Trong báo cáo tài chính, DLG phải trả cho phía Trung Quốc 30 tỷ đồng tiền thuê đất cho nhà máy trong 50 năm.

Mặc dù linh kiện điện tử là mảng đem lại doanh thu lớn cho DLG nhưng đang có chiều hướng suy giảm. Doanh thu từ mảng này trong năm 2023 là 573 tỷ đồng, giảm hơn so với năm 2022 do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Theo kế hoạch thoái vốn vừa được công bố, DLG sẽ thuê công ty thẩm định giá nhằm định giá lại giá trị Công ty Mass Noble và chuyển nhượng với mức giá không thấp hơn mệnh giá cũng như giá trị sở hữu của Đức Long Gia Lai tại Mass Noble.

Bên cạnh linh kiện điện tử, Đức Long Gia Lai cũng đầu tư mạnh vào mảng điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện ở Gia Lai với tổng công suất gần 4.000MW, phần lớn đang chờ được bổ sung vào quy hoạch.

Năm 2024, Đức Long Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 25% lên 1.400 tỷ đồng và lãi sau thuế 120 tỷ đồng.