Người dân Triều Tiên đeo khẩu trang đi lại trên đường phố Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Theo Reuters, thông tin trên được đưa ra một tuần sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đang đối mặt với một tình trạng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ông Kim kêu gọi các quan chức phát động một phong trào “Tháng ba gian khổ” nữa của công việc và sự hy sinh, liên kết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời với thời kỳ đói kém và thảm hoạ những năm 1990.
Đại sứ Nga cho biết tình hình hiện tại ở Triều Tiên không thể so sánh với thời kỳ đói khổ đó. “Vẫn còn xa mới tới Tháng ba gian khổ và tôi hy vọng tình hình Triều Tiên sẽ không bao giờ tới mức như vậy”, Đại sứ Matsegora nói với hãng tin Nga Itar-Tass. “Điều quan trọng nhất là hiện thời ở Triều Tiên không có nạn đói”.
Trừng phạt, lũ lụt, đóng cửa biên giới…đã khiến kinh tế Triều Tiên gặp khó khăn. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về việc thiếu hụt lương thực và các thảm hoạ nhân đạo khác có thể xảy ra ở nước này. Ông Matsegora cho biết, hàng hoá nhập khẩu đã biến mất khỏi các kệ hàng song phần lớn hàng hoá sản xuất trong nước vẫn có sẵn và giá chỉ tăng vừa phải.
Các nhà ngoại giao thường bị hạn chế về nơi có thể đi ở Triều Tiên và hiện chưa rõ thông tin mà Đại sứ Nga đưa ra có áp dụng với các khu vực bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng không.
Trong năm vừa qua, việc trao đổi mậu dịch của Triều Tiên đã giảm xuống mức nhỏ giọt do nước này tự đóng cửa biên giới nhằm ngăn dịch Covid-19 bùng phát. Viện trợ quốc tế cho Triều Tiên hiện bị kẹt trong các nhà kho ở phía biên giới Trung Quốc, song Triều Tiên đang xây dựng các khu khử trùng lớn, dự kiến sẽ sớm hoàn thành, ông Matsegora cho hay.
“Có thông tin rằng các công trình đó sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4, sau đó, dòng chảy hàng hoá sẽ được khôi phục”, Đại sứ Nga tại Triều Tiên nói. Ông nói thêm, vận tải hàng hoá xuyên biên giới có thể được nối lại trong tương lai gần nhưng việc đi lại của hành khách chỉ được phép khi đại dịch được giải quyết ở cấp độ toàn cầu.
Đại sứ Matsegora là một trong vài đại sứ nước ngoài còn ở lại Bình Nhưỡng sau khi một số phái bộ ngoại giao khác rời khỏi Triều Tiên vì khó luân chuyển nhân viên mới.
Phái bộ ngoại giao Nga gần đây đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu ở Triều Tiên như thuốc men, các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khoẻ và những hạn chế về đại dịch ở mức nghiêm trọng chưa từng có.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Triều Tiên chưa báo cáo về ca nhiễm Covid-19 nào ở nước này. Dự kiến, Triều Tiên sẽ nhận được gần 2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca vào nửa đầu năm nay theo chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX, song người dân nước này hầu như không biết gì về vắc-xin quốc tế, ông Matsegora nói.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên cũng cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền đang nới lỏng một số biện pháp chống dịch trong nước, với việc các đám cưới được phép tiến hành, các lớp học sẽ được hoạt động lại vào tháng này.
Ông Matsegora cho biết những thay đổi tích cực trong quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ khó có thể xảy ra do đường lối cứng rắn của chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden.
Hoài Linh
Triều Tiên tiếp tục miễn nhiễm với Covid-19
Triều Tiên tuyên bố, chưa phát hiện ca nhiễm virus corona nào sau khi kiểm tra hàng chục nghìn người dân trong các tháng vừa qua.
Lý do Kim Jong Un gợi lại nạn đói những năm 1990 ở Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi các quan chức đảng cầm quyền phát động một “Tháng 3 gian khổ nữa” của công việc và sự hy sinh.