Hôm 18/4, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Dương Phương Thảo, cùng các cán bộ đại sứ quán đã đến thăm gian hàng quốc gia Vietnam Pavilion tham dự Milan Design Week và gặp gỡ các đại diện doanh nghiệp đến từ các nước.

Việc tham dự Milan Design Week góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ và nội ngoại thất quan trọng của Việt Nam, là cầu nối giúp doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Dương Hải Hưng đã chúc mừng 2 doanh nghiệp ITPC và HAWA đã có những bước đi đầu tiên thành công khi đưa hàng Việt Nam vào sân chơi thiết kế và thương hiệu của ngành nội thất, mà Milan là nơi hội tụ các thương hiệu lớn cùng các nhà thiết kế khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, Đại sứ còn khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng phát huy năng lực cạnh tranh thông qua việc hợp tác tốt với các nhà mua hàng thiết kế tại Italy và châu Âu để thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, cũng như các thị trường khác.

Theo đại sứ, ngành gỗ Việt Nam cần đầu tư lớn và bài bản để có thể tiến vào và chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao hơn.

Gian hàng quốc gia Vietnam Pavilion do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 16-21/4.

Gian hàng có tổng diện tích 360m2, tuyển chọn và trưng bày các sản phẩm nội thất gỗ và mỹ nghệ đặc sắc từ 35 doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam nổi tiếng về xuất khẩu đồ gỗ nội thất, đứng thứ 6 trên thế giới. Việc Lần đầu xuất hiện tại Milan Design Week là một bước khẳng định những giá trị sáng tạo của ngành Nội thất và Mỹ nghệ Việt Nam tại những sân chơi quốc tế bằng thực lực và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

W-nganhgo.png
Việt Nam nổi tiếng về xuất khẩu đồ gỗ nội thất, đứng thứ 6 trên thế giới.

Năm 2023, mặc dù có một số thị trường có sự tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 52%... nhưng nhìn chung, tình hình xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Đây là năm đầu tiên ngành xuất khẩu có thế mạnh đứng thứ 6 của Việt Nam này ghi nhận tăng trưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua. Năm 2023, xuất khẩu đồ gỗ và nội thất chỉ đạt 16 tỷ USD, giảm 14,8% (giảm hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu chung là 4,6%).

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam (Vifa Expo) năm 2024 cuối tháng 2 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, phân tích từ dữ liệu thống kê hải quan cho thấy trong tháng 12/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với tháng trước; tháng 1/2024 đạt gần 1,8 tỷ USD, tiếp tục tăng 10,2% so với tháng trước (chiếm trên 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp).

Đây cũng chính là mặt hàng duy nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, với 32/45 thị trường xuất khẩu chính đã có tăng trưởng.

Ông Trần Ngọc Liêm cho rằng dù thu về gần 1,8 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024 nhưng ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững. Đó là rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp.

PV