- Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 diễn ra sớm hơn cả ý định ban đầu của ta tới gần 2 năm. 

Trong tham luận của hội thảo "Đại thắng mùa xuân 1975 - sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình" ở TP.HCM hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng viết: "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm, với tốc độ thần kỳ "một ngày bằng 20 năm". Với trận quyết chiến chiến lược này, ta đã đánh bại quân địch với 1 triệu tên, do Mỹ dày công tổ chức, được huấn luyện và trang bị với số lượng lớn phương tiện, vũ khí hiện đại và hệ thống phòng thủ, bố trí chiến lược hoàn chỉnh (mạnh hai đầu) ở miền Nam".

{keywords}
Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: QĐND

Giành thắng lợi trong thời gian rất ngắn, ít tổn thất, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho hay, nó thậm chí diễn ra sớm hơn cả ý định ban đầu của ta tới gần 2 năm.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thì nhớ lại cuối năm 1973 và cả năm 1974, cùng việc gấp rút củng cố và phát triển lực lượng tại chỗ trên chiến trường, Đảng chỉ đạo nhiệm vụ tăng cường chi viện của hậu phương miền Bắc.

Lúc đó, mức tuyển quân và huy động của cải vật chất ở miền Bắc tăng nhiều lần so với các thời kỳ trước. Đến cuối năm 1974, trên cơ sở chuẩn bị mọi mặt, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên sức mạnh của quân dân cả nước hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976.

{keywords}

Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Thành Cung tại hội thảo. Ảnh: QĐND

Sau chiến thắng Phước Long (1/1975), thế và lực của ta tăng lên, khả năng Mỹ đưa quân trở lại khó xảy ra, Bộ Chính trị đi đến quyết định mở cuộc tiến công chiến lược để hoàn thành giải phóng miền Nam ngay trong 1975. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên được coi là đòn "điểm trúng huyệt" đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, mở ra thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian ngắn nhất.

Nghiên cứu công phu

Chia sẻ ở góc độ tham mưu, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, từ giữa năm 1973, khi hội nghị lần thứ 21 của BCH TƯ Đảng đang diễn ra, Bộ tổng tham mưu đã tập trung nỗ lực chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau khi có nghị quyết hội nghị TƯ 21, Bộ tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch.

{keywords}

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: QĐND

"Kế hoạch được nghiên cứu rất công phu, có sự tham gia của nhiều cán bộ chủ chốt lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường và được bổ sung nhiều lần trước khi trình lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.

Một trong những vấn đề lớn, khó khăn nhất là phải tìm hiểu khả năng can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ và sự can thiệp của các nước trong khu vực khi ta mở cuộc tiến công lớn... đã chỉ đạo các chiến trường thực hiện một số chiến dịch để tìm hiểu phản ứng của Mỹ và sức mạnh của quân đội Sài Gòn, như chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức (17/7 - 25/8/1974), La Sơn - Mỏ Tàu (28/8 - 28/9/1974), đường 14 - Phước Long (17/12/1974 - 6/1/1975)..." - Thượng tướng cho hay.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, một chìa khóa vàng mở ra đại thắng, đó là sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân chiếm ưu thế tuyệt đối trong suốt cuộc kháng chiến, được phát huy cao độ, trở thành sức mạnh áp đảo kẻ thù.

Tướng Lịch cho hay sức mạnh của quân và dân trong đại thắng mùa xuân 1975 đã được những người bên kia chiến tuyến thừa nhận, dù muộn và chưa đầy đủ. Ông dẫn lại nhận xét của giám đốc cơ quan nghiên cứu kế hoạch chiến tranh không quân của Mỹ rằng "trong khi các nhà lãnh đạo nước Mỹ càng ngày càng đặt nhiều hy vọng và kỹ thuật để khuất phục Đông Dương thì các lực lượng kháng chiến lại tìm thấy sức mạnh chủ yếu ở chỗ khác: trong tiềm lực văn hóa và tinh thân của nhân dân họ".

Vừa đánh vừa đàm

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ hậu trường đàm phán ngoại giao hiệp định Paris. Để có được ngày ký kết hiệp định lịch sử vào 27/1/1973, Mỹ thực sự "không vừa" và ngoại giao Việt Nam đã phải kiên trì với Mỹ trong suốt 4 năm, 8 tháng, 16 ngày, khi cùng lúc phải kết hợp cả mặt trận quân sự theo phương châm "vừa đánh vừa đàm".

{keywords}

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Theo Thứ trưởng Kim Ngọc, trước tình hình ngày càng bất lợi, Mỹ buộc phải đồng ý thảo luận cụ thể từng câu chữ, điều khoản theo bản dự thảo hiệp định được phái đoàn VNDCCH đưa ngày 8/10/1972. Đến 20/10/1972, Tổng thống Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định văn hoàn hoàn thành và sẽ ký vào 31/10/1972. Nhưng ngay sau đó, sau khi tái đắc cử, Nixon lại đòi "bàn thêm", sửa hầu hết các vấn đề thực chất trong tất cả các chương của hiệp định theo đòi hỏi của chính quyền Sài Gòn.

Như lời ông Ngọc bình luận, hành động này là cách "cố tình trì hoãn" việc ký hiệp định. Căng thẳng, bế tắc kéo dài suốt tháng 11 tới đầu tháng 12/1972. Rồi để gây sức ép cục diện đàm phán, Nixon bắt đầu cho máy bay B52 rải thảm Hà Nội.

Chỉ đến khi 12 ngày đêm chiến đấu chống pháo đài bay B52 của Hà Nội kết thúc với kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không", làm sụp đổ thần tượng bất khả chiến bại của không lực Hoa Kỳ, Nixon mới phải thốt lên rằng: Nỗi lo sợ của chính quyền Mỹ trong những ngày này không phải do làn sóng phản đối nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới mà là mức độ tổn thất quá nặng nề về máy bay B52.

Thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, tổn thất nặng nề trong chiên dịch ném bom bắn phá miền Bắc và bị dư luận quốc tế lên án mạnh, ngày 29/12/1972, Nixon buộc phải ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán trước khi các bên ký chính thức bản hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Xuân Linh