"Nếu ai có dịp gặp, chứng kiến cuộc sống của rất nhiều BMVNAH thì sẽ hiểu và thấy bổn phận, trách nhiệm của mình với những người phụ nữ đã hy sinh chồng con cho Tổ quốc".

"Không ai trên đời mong trở thành Bà mẹ Anh hùng!"

Bà mẹ Anh hùng: Các con đùa phải không?

Câu hỏi phút lâm chung của một bà mẹ anh hùng

LTS: Câu chuyện "có phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) đối với các trường hợp đã tái giá đang làm "nóng" dư luận xã hội. Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của Đại tá Khuất Biên Hòa, người từng là trợ lý và thư ký riêng của nguyên Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức Anh.

Chuyện "tái giá" đã được giải quyết từ lâu

Tháng 10/2005, lúc đó bác Lê Đức Anh đã nghỉ, bác nhận được thư của BMVNAH Cao Thị Đáo, đã 105 tuổi ở Củ Chi, TP.HCM gửi. Trong thư, cụ Đáo cho biết, ngay ở xung quanh khu vực cụ sống đã có 3 trường hợp là vợ và mẹ liệt sĩ nhưng không được phong BMVNAH vì tái giá. Như vậy là không công bằng và thua thiệt cho những bà mẹ như thế.

{keywords}

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: Phạm Hải/ VNN

Cụ Cao Thị Đáo được phong danh hiệu BMVNAH đợt đầu tiên, được đích thân Chủ tịch nước lúc ấy giờ là bác Lê Đức Anh đón tiếp tại Phủ Chủ tịch. Tất cả các BMVNAH lần đó đều được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ân cần đón tiếp, được cùng Chủ tịch nước duyệt Đội  danh dự tại sân Phủ chủ tịch, nơi thường để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam. Chính vì thế cụ Đáo đã viết lá thư cho bác Lê Đức Anh dù vẫn biết lúc đó bác không còn đương nhiệm.

Khi thư của cụ Đáo đến, tôi nhận và trình lên bác Lê Đức Anh. Bác đọc xong rất xúc động, lặng lẽ ngồi suy nghĩ một chút rồi nói: "Tái giá đâu phải là xấu, đâu phải là sai! Vợ liệt sĩ thời chống Pháp và chống Mỹ phải chịu theo luân thường đạo lý rất ngặt nghèo rồi. Về Hiến pháp thì tái giá hoàn toàn hợp pháp, chẳng vi phạm gì cả. Về đạo đức Cách mạng thì Cách mạng phải biết ơn chứ. Nếu không tái giá làm sao có con để đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc?".

Rồi bác bảo tôi thảo bức thư gửi cho 2 nơi, một là Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một gửi cho Chủ tịch nước đương nhiệm Trần Đức Lương kèm theo bản photo thư của cụ Đáo! Trong thư, bác Lê Đức Anh đề nghị nên chỉ đạo cho TP.HCM làm thí điểm.

{keywords}

Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng 61 tỉnh thành được phong lần đầu tiên duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 19/12/1994. Ảnh: Nguyễn Bắc Son

Khoảng hơn một tháng sau, cuối năm 2005, tôi điện thoại vào TP.HCM gặp anh Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP hỏi anh Quân về việc này. Hôm sau anh Lê Hoàng Quân gửi toàn bộ báo cáo của Sở LĐ-TB-XH về triển khai công việc. Báo cáo cho biết TP.HCM đã phát hiện 21 mẹ đủ tiêu chuẩn phong tặng nhưng tái giá. Trong số này hiện còn 5 mẹ còn sống, trong đó có bà Nguyễn Thị Bảy, 83 tuổi là mẹ của đương kim Thủ tướng Phan Văn Khải.

Được biết, báo cáo này do Sở LĐ-TB-XH đã kết hợp với Ban chỉ huy quân sự TP.HCM triển khai theo chỉ đạo của Trung ương và đã nộp toàn bộ hồ sơ tới Bộ tư lệnh Quân khu 7 theo đúng quy định.

Tuy nhiên, tới đây vẫn còn "vướng" đấy! Một tháng sau tôi điện cho phòng Chính sách và Cục chính trị của quân khu 7 hỏi thăm tiến độ. Họ bảo đã nhận được hồ sơ đầy đủ song đành để đấy vì  đã có chỉ thị tất cả việc xem xét chính sách với người có công đến hết năm 2005 là dừng! Vì vậy không triển khai thêm được vì lúc này đã qua năm 2005 và  bước vào năm 2006.

Bác Lê Đức Anh nghe tôi báo cáo xong buồn và bực lắm. Bác bảo: "Chiến tranh có ai nói được giới hạn bao giờ sẽ xong không? Sao giờ lại vô tâm như vậy! Nay còn 5 cụ không biết sống được bao lâu nữa mà sao cứ để kéo dài".

Một thời gian sau tôi gọi điện trực tiếp cho anh Quyền, trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương hỏi thăm. Anh Quyền bảo hồ sơ phải qua Bộ LĐ-TB-XH rồi mới tới Ban. Anh ấy hứa với tôi là nhận được hồ sơ sẽ trình lên Chủ tịch nước ngay.

Thời điểm đó là sau Đại hội Đảng 10, Bộ LĐ-TB-XH có Bộ trưởng mới là chị Kim Ngân. Chủ tịch nước của khóa mới là bác Nguyễn Minh Triết thay cho bác Trần Đức Lương mãn nhiệm.

Ít ngày sau anh Giang Sơn, vụ trưởng Vụ thi đua - khen thưởng thuộc Văn phòng Chủ tịch nước cho tôi biết tin Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã ký Lệnh phong tặng danh hiệu BMVNAH cho 21 bà mẹ của Tp.HCM. Trong số này có mẹ của Thủ tướng lúc bấy giờ Phan Văn Khải.

Chẳng ai muốn chồng mất để tái giá

Như vậy câu chuyện "tái giá", với trường hợp thí điểm là Tp.HCM đã được bác Lê Đức Anh và lần lượt hai Chủ tịch Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng xử lý đã xong từ lâu, dù có phải kéo dài mất thời gian một cách không đáng có. Bởi vậy tôi rất ngạc nhiên lần này chuyện "tái giá" lại "bị" trở lại để "tái nghiên cứu". Vừa rồi tôi có xem chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời", tôi rất ngạc nhiên khi có người bảo rằng "sẽ  xem xét".  Sao lại phải xem xét?

{keywords}

Các mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc hội ngộ tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: Nguyễn Hưng/ VNE

Tôi cũng rất ngạc nhiên và rất không đồng tình khi một "ông" cán bộ nọ phát biểu trên báo rằng, với những trường hợp "tái giá", sẽ xem xét cụ thể đạo đức của từng cụ! Thật là không còn gì để nói. Nói như vậy là xúc phạm tới anh linh các liệt sĩ, xúc phạm các BMVNAH của dân tộc ta.

Tôi rất đồng tình với chị Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của  Quốc hội phát biểu rất quyết liệt: "Dù có tái giá mấy lần đi nữa thì vẫn là BMVNAH! Không bà mẹ nào muốn chồng mình là liệt sĩ, con mình là liệt sĩ...".

Nếu ai có dịp gặp, chứng kiến cuộc sống của rất nhiều BMVNAH thì sẽ hiểu và thấy bổn phận, trách nhiệm của mình với những người phụ nữ đã hy sinh chồng con cho Tổ quốc.

Lịch sử chiến tranh khốc liệt của dân tộc ta kéo dài gần như suốt thế kỷ 20. Dù chúng ta chiến thắng song cái giá phải trả rất đắt và rất đau lòng. Nhất là đối với người phụ nữ.

Tôi đã gặp những BMVNAH đã "tái giá". Có mẹ nói: "Là phụ nữ chẳng ai muốn chồng mất để đi bước nữa. Nhất là phụ nữ Việt Nam".

Trường hợp mẹ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng vậy. Chồng trước của cụ là liệt sĩ thời chống Pháp, chồng sau của cụ là thân sinh của bác Phan Văn Khải là liệt sĩ thời chống Mỹ. Nếu không "tái giá" làm sao đất nước ta có vị Thủ tướng đáng kính như vậy? Bà đã tâm sự: "Là phụ nữ chẳng ai muốn 2-3 đời chồng và chẳng ai muốn khoe làm gì? Cho tới giờ Sáu Khải (tức nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) vẫn chưa biết trước khi lấy ba của Khải tôi đã có một đời chồng là liệt sĩ thời chống Pháp. Sáu  Khải chỉ biết mình có 2 người anh là liệt sĩ...".

Ngày tổ chức lễ đón nhận danh hiệu BMVNAH cho các cụ ở Củ Chi, mẹ của bác Khải đang bệnh nặng, nằm trong bệnh viện Thống Nhất. Dù các bác sĩ rất cố gắng chăm sóc cho cụ để cụ có thể đến dự lễ và nhận danh hiệu song sức khỏe không cho phép. Sau đó không lâu thì cụ tạ thế.

Bác Lê Đức Anh đã ủy quyền cho tôi đến thăm và chuyển lời của bác cảm ơn cụ Cao Thị Đáo đã phát hiện những thiếu sót trong chính sách.

Tôi lên Củ Chi, tìm tới nhà cụ. Điều bất ngờ và đau lòng nhất là cụ đã quá yếu, sống trong căn nhà tình nghĩa rộng chừng 20m2, có 2 phòng. Một phòng kê chiếc giường đơn sơ cho cụ ngủ. Phòng còn lại lót lá chuối cho người con của cụ đã 86 tuổi, còn yếu hơn cụ Đáo.

Cụ Đáo không còn đi bằng hai chân được. Cụ phải di chuyển  bằng cả hai chân và hai tay. Cỏ mọc đầy hiên nhà, cụ đang bò ra nhổ từng bụi cỏ cho sạch. Căn nhà tình nghĩa không có nhà vệ sinh, bếp ăn phải kê trong góc.

Người cháu gái đã 56 tuổi cùng chồng sống chung trong ngôi nhà, kể: "Sợ nhất là trời mưa, phải cõng từng cụ ra ngoài vườn đi vệ sinh".

Tôi tìm hiểu qua UBND xã được biết công ty thuốc lá Sài Gòn nhận nuôi cụ vì làm ăn thua lỗ đã cắt mất lương nuôi 5 tháng rồi nên cụ bữa đói bữa no, có hôm không có gì ăn.

Tôi phải liên lạc với một số đơn vị quân đội. Bệnh viện 175 gởi biếu cụ một chiếc xe lăn. Phần việc còn lại tôi nhờ các anh em ở Quân cảng Sài Gòn quan tâm. Ban giám đốc Quân cảng lập tức cho người lên khảo sát và sửa lại căn nhà, mở rộng ra phía sau, xây nhà bếp, nhà vệ sinh cho cụ. Đáng mừng hơn là Quân Cảng nhận phụng dưỡng cụ đến hết đời.

Ngày lên gặp lại cụ Đáo, cụ mừng lắm, nghẹn ngào: "Có chiếc xe lăn tôi có thể đi ra chợ, thăm bà con. Lâu lắm rồi tôi chẳng đi đâu được vì phải "bò" bằng hai chân hai tay mệt lắm, không đi xa được...".

Duy Chiến (ghi)