Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều tác động, văn hóa cồng chiêng ở các buôn trên địa bàn huyện Krông Pắc nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung đã và đang có biểu hiện mai một...

Theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025, sẽ có 50 đội chiêng trong các buôn, làng của tỉnh được cấp chiêng; những đội văn nghệ tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng sẽ được cấp trang phục.

Các nghệ nhân buôn Kplang, xã Tân Tiến biểu diễn tiết mục văn nghệ cồng chiêng

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tất cả các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đội chiêng, đội văn nghệ; các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng, tổ chức phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng; 100% số trường Dân tộc nội trú tổ chức hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng…

Theo đó, hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng sẽ đa dạng các hình thức như: Phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng; nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc tại chỗ Ê Đê, M Nông trong sinh hoạt cộng đồng; xây dựng mô hình điểm buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ nghệ nhân cồng chiêng; tổ chức đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào Trường Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh…

Vĩnh Sang, Tuấn Kiệt, Trần Chung, Bích Hạnh, Thu Hà