Đắk Lắk là vùng đất hội tụ của 49 dân tộc, mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng. Sản vật nông nghiệp cũng rất phong phú, đa dạng như lúa gạo, tiêu, bơ, mắc ca, cá sông,… nổi bật, đặc trưng nhất là cà phê. Toàn tỉnh hiện có 237 sản phẩm OCOP (trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 206 sản phẩm đạt 3 sao) đủ khả năng xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được những vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp bền vững. Một số hộ gia đình đã tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, xuất hiện những vườn rau, củ quả sạch khá đẹp. Tỉnh còn có nhiều tiềm năng về các loại hình chăn nuôi, kết hợp trồng trọt theo mô hình trang trại.
Do đó, những năm gần đây, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đang được Đắk Lắk quan tâm phát triển và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình. Loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hỗ trợ người dân trong việc khai thác, bán các sản phẩm từ trang trại cho họ. Qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, là hướng đi mới trong đầu tư và phát triển du lịch bền vững.
Chẳng hạn, tại huyện Buôn Đôn có HTX nông nghiệp và du lịch Phú Nông được định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, gồm: khai thác thủy sản, trồng cây ăn trái kết hợp du lịch tại vùng ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3. Đây là mô hình kinh doanh xanh được các cấp các ngành đánh giá cao vì vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
HTX đã đầu tư hệ thống lồng bè, nhà nổi, nhà chòi, nhà sàn, nhà gác kiên cố, sạch đẹp để làm chỗ nghỉ ngơi, vui chơi cho du khách. Ngoài xuất bán nông sản tươi, HTX còn đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm cây ăn trái, thịt, cá theo hình thức sấy khô, sấy dẻo, tẩm ướp gia vị,…
Đồng thời, kết hợp các dịch vụ du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp - sinh thái như: câu cá, du thuyền trên lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3; cắm trại, nghỉ ngơi trong những cánh rừng nguyên sinh; tham quan, thưởng thức nông sản từ nhiều trang trại chăn nuôi, cây trái…
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương
Để tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp (STNN) gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Đề án nhằm khai thác, phát triển các mô hình du lịch STNN đặc trưng phục vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương;
Phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN) trong quá trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn;
Xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến, điểm du lịch để khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương.
Đề án được chia làm 2 giai đoạn, với tổng vốn thực hiện là 175,7 tỷ đồng (giai đoạn 2022 - 2025: hơn 69,3 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2035: hơn 105,3 tỷ đồng).
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh lựa chọn hỗ trợ 15 cơ sở hiện có, đang hoạt động trong loại hình du lịch STNN trên địa bàn tỉnh để các cơ sở duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch;
Phát triển thêm mới 30 - 35 cơ sở tham gia vào du lịch STNN trên địa bàn toàn tỉnh; Phát triển tour du lịch STNN gắn kết với 6 di tích lịch sử;
Phát triển 7 mô hình du lịch STNN kết hợp với tour du lịch tại thác Dray Nur, Dray Sáp thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Drai Yông, Drai Dlông; 9 mô hình du lịch STNN kết hợp du lịch tại hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Súp Thượng, hồ Đắk Minh, hồ Ea Nhái, hồ Buôn Triết, hồ thủy lợi Ea Tam, hồ buôn Chu Kap và hồ Đạt Lý;
Phát triển 5 mô hình du lịch STNN kết hợp du lịch tại Vườn quốc gia Yok Don, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lắk, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Rừng đặc dụng Nam Ka;
Hình thành 15 mô hình vườn mẫu nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu tại các xã gắn với du lịch; hình thành từ 5- 7 HTX sản xuất nông nghiệp có hoạt động du lịch; tập trung xây dựng 10 mô hình DLNN trên địa bàn gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP,…
Đến năm 2025, tổng lượt khách DLNN dự kiến trên địa bàn là 404.000 lượt khách; tổng doanh thu lĩnh vực DLNN đạt 412 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,77% doanh thu từ du lịch của tỉnh; tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động.
Giai đoạn 2026 – 2035: Hình thành 30 mô hình vườn mẫu nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu tại các xã gắn với du lịch; xây dựng 20 mô hình DLNN trên địa bàn gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP; phát triển tour du lịch STNN gắn kết với 4 di tích lịch sử;…
Đến năm 2030, tổng lượt khách DLNN dự kiến trên địa bàn là 698.000 lượt khách; tổng doanh thu lĩnh vực DLNN đạt 750 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40,54% doanh thu từ du lịch của tỉnh; tạo việc làm cho khoảng 1.560 lao động (năm 2030).
Hiện Đắk Lắk tập trung hướng đến thị trường khách du lịch nội địa, từng bước thu hút khách quốc tế. Đầu tư hỗ trợ và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị phục vụ du lịch sinh thái nông nghiệp.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến DLNN, nông thôn để bảo đảm điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu, tiêu dùng từ du khách;…