Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, thời gian gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh phát sinh nhiều và có diễn biến phức tạp.

Cuối tháng 9/2021, dịch bệnh gia súc xuất hiện tại 21 xã, với tổng cộng 1.719 con mắc bệnh, phải tiêu hủy. Từ đầu năm đến nay, có 386 con bò mắc bệnh tại 26 xã, thị trấn thuộc huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Mil và Cư Jút. Trong đó, có 32 con chết, phải tiêu hủy. 

Những tháng cuối năm 2021, nguy cơ một số dịch nguy hiểm ở động vật tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao.

{keywords}
Đắk Nông ứng phó dịch bệnh trên đàn gia súc.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi có hiệu quả. 

Theo đó, đối với dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Đồng thời, các địa phương cũng cần tiến hành tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh và khẩn trương vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực có dịch và lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn gia cầm vận chuyển ra ngoài ổ dịch. Tuyên truyền cho mọi người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch, không tiếp xúc, giết thịt gia súc bị bệnh, không rõ nguồn gốc và sớm báo cho cơ quan chức năng khi có gia cầm nghi bị bệnh. Các địa phương phải thường xuyên cảnh giác và tăng cường kiểm tra phát hiện dịch.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai, hướng dẫn các huyện, thị tăng cường kiểm tra, giám sát các trang trại, hộ cá thể chăn nuôi gia súc nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến dịch để có biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan, bùng phát.

Tại các trạm kiểm soát đầu mối ở cửa ngõ, lực lượng thú y cũng duy trì việc chốt chặn, kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh với chế độ trực 24/24 giờ. Ngoài ra, các trạm thú y, các chốt kiểm dịch cũng phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện khá chặt chẽ việc kiểm soát và tiêu độc đối với tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật khi ra vào địa bàn tỉnh.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch, giám sát vận chuyển, buôn bán gia súc, trạm thú y các huyện, thị xã còn đẩy mạnh công tác kiểm tra giết mổ, tiêu thụ gia súc ở các chợ đầu mối nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập động vật vào cơ sở giết mổ tập trung, qua đó có thể ngăn chặn kịp thời việc đưa động vật bị bệnh từ vùng dịch vào địa phương.

Thúy Tình