Trong tiết sinh hoạt phổ biến giáo dục pháp luật ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Phố Bảng, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnhHà Giang, nhiều chính sách pháp luật đã được các chiến sỹ Biên phòng, Công an, chính quyền xã thông tin tới các em học sinh.  

Theo ông Phan Xuân Thuỷ, Hiệu trưởng nhà trường, hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch, phối hợp với Công an huyện, Đồn Biên phòng Phố Bảng và Phòng Tư pháp huyện tổ chức tuyên truyền khoảng 3 - 5 lượt cho học sinh với các nội dung như: Luật Giao thông đường bộ; tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người; tuyên truyền bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh… 

Bên cạnh đó, nhà trường thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật vào các buổi sinh hoạt đầu tuần, các buổi ngoại khóa bằng các hình thức như sân khấu hóa, thi dân ca, dân vũ... Đến nay, hầu hết các em học sinh đều có nhận thức, hiểu biết kiến thức cơ bản về pháp luật, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục, các trường học phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp nhằm chuyển tải kiến thức pháp luật cho học sinh như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, các buổi học ngoại khóa, tạo môi trường cởi mở, thân thiện giúp học sinh dễ dàng tiếp thu các kiến thức pháp luật, thành lập các câu lạc bộ, xây dựng, bổ sung đầu sách, khai thác tủ sách pháp luật, thông qua các bản tin nội bộ, hệ thống loa truyền thanh...

Nhờ đó, việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật trong trường học ở Đồng Văn đã đi vào chiều sâu, nền nếp và đạt nhiều kết quả tích cực. Từng bước góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống.

anh chup man hinh 2024 01 07 luc 094738.png
Một buổi trợ giúp pháp luật cho người dân ở Hà Giang.

Không chỉ chú trọng việc tuyên truyền, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho học sinh trong các trường học, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức.

Tại buổi chợ phiên xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì là một điển hình. Bà con không chỉ đến chợ để mua, bán, trao đổi hàng hóa mà còn hào hứng tham gia hoạt động tuyên truyền do Phòng Tư pháp huyện và chính quyền xã phối hợp tổ chức. Với tiểu phẩm hài ngắn gọn, có tình tiết liên quan đến pháp luật đã tạo nên hình thức tuyên truyền sinh động, thu hút đông đảo người xem.

Một người dân ở xã Thàng Tín cho hay, đến phiên chợ, chị được xem tiểu phẩm rất hay liên quan đến việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đây là cách tuyên truyền pháp luật đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, thu hút bà con nghe và tìm hiểu. 

Qua xem tiểu phẩm, chị đã hiểu hơn về những hệ lụy mà tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để lại. Từ đó tuyên truyền, vận động người thân, gia đình không vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình cũng như các quy định khác của pháp luật.

Một số địa phương cũng triển khai các chương trình nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân thông qua Hội Nghệ nhân dân gian, điển hình như tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì; xã Sủng Là, huyện Đồng Văn; xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Cán bộ các ngành, đoàn thể của xã chủ động phối hợp với các nghệ nhân tuyên truyền pháp luật của ngành chuyên môn trực tiếp đến các thôn, bản tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. 

Dù mới triển khai song mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua Hội Nghệ nhân dân gian đã đem lại hiệu quả tích cực. Bởi các nghệ nhân đều là những người có uy tín ở thôn, bản, cộng đồng dân cư, am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán nên rất được người dân tin tưởng. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Ngoài ra, các hình thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả trên các kênh, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube cũng được các cấp, các ngành khai thác, sử dụng phù hợp với nhiều đối tượng tiếp cận.

Minh chứng rõ nét là hoạt động hiệu quả của nhóm Zalo, Facebook của Chi hội phụ nữ tổ 2, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Thông qua nhóm này, các thành viên trong Ban Chấp hành Chi hội đã có thói quen tiếp nhận các thông tin tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương. Nhờ đó, các hội viên phụ nữ được cập nhật các văn bản pháp luật nhanh chóng, kịp thời, phục vụ cho công việc, cuộc sống hàng ngày.

Như vậy, có thể thấy, tại Hà Giang công tác tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân thực hiện bài bản, phong phú, bám sát thực tiễn địa phương đã góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong mọi suy nghĩ cũng như hành động của người dân.

Nguyễn Thị Huế, Lê Thị Hạnh, Vũ Thị Lụa