Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội Khóa XII Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng.

mua bán người 55.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Qua gần 12 năm tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai quyết liệt. Công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực... Hợp tác quốc tế được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn trên thế giới, khu vực.

Việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tăng cường quản lý Nhà nước, hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều quy định của luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế...

Tại hội nghị đã có 11 ý kiến góp ý vào dự thảo luật. Các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi, bổ sung theo dự thảo luật đưa ra. 

Cùng với chỉ ra những bất cập trong thực tế khi thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đề nghị sửa đổi, làm rõ một số nội dung quan trọng như: quy định các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý an ninh, trật tự; quản lý hoạt động xuất nhập cảnh; tiếp nhận và xác minh nạn nhân…

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông ghi nhận, tổng hợp, nghiên cứu để ý kiến, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV xem xét, hoàn thiện dự thảo. 

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều; bổ sung 01 điều (Điều 32) về đối tượng bảo vệ.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo luật đề xuất các quy định cụ thể về phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Quỳnh Nga