Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tỉnh đặt trọng tâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán.

{keywords}
Tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh trái phép là giải pháp ngăn ngừa nạn mua bán người.

Ngoài ra, UBND tỉnh xác định mục tiêu, yêu cầu chung là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các đơn vị, địa phương có liên quan trong phòng chống mua bán người; huy động các nguồn lực và sự ủng hộ, hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống mua bán người.

Thông qua thực hiện triển khai kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người. Đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người. Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán...

UBND tỉnh yêu cầu toàn tỉnh thực hiện nhiều  nhiệm  vụ, giải  pháp  thiết  thực, hiệu  quả, sát  với tình hình thực tế của địa phương. Trong  đó,  chú  trọng  công  tác truyền thông về phòng chống mua bán người.

Cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng chống mua bán người. Tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc.

Các ngành chức năng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong đó, chú trọng tổ chức điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế (nhất là với tỉnh Mondulkiri, Campuchia) trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người.

Các đơn vị tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm. Điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng; thực hiện các biện pháp giải cứu, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Chính quyền các cấp, đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường quản lý biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; di cư tự do.

Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động cho, nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, làm việc, học tập, du lịch và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nhằm kịp thời phát hiện vụ việc mua bán người.

Triển khai dữ liệu, thống kê về công tác phòng, chống mua bán người. Thường xuyên cập nhật các thông tin, số liệu về tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người và các thông tin khác vào dữ liệu thống kê và dữ liệu khác có liên quan theo hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng.

Hoạt động truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc mua bán người, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án mua bán người.

Đối với hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định; chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán.

Nội dung phòng chống mua bán người phải được lồng ghép vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác.

Đức Yên