Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 53 dân tộc thiểu số, phần lớn sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”.
Thấm nhuần điều đó, trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, nhất là vấn đề bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của mình. Trong các bản hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ đều ghi nhận và khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc.
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Với quan điểm mọi công dân đều được bảo đảm quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, những năm gần đây tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng số dân là 14,35%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 18%, cấp huyện là 20%, cấp xã là 22,5%.
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã và đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thành quả của phát triển.
Sau một năm triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", ngành thông tin và truyền thông Việt Nam đã phủ sóng phần lớn số thôn bị lõm sóng di động trên toàn quốc.
Theo báo cáo quý 3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng vùng lõm sóng giảm mạnh nhất từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, giảm gần 1.400 vùng. Nếu không tính đến các thôn chưa có điện lưới hoặc nguồn điện không đảm bảo chưa thể triển khai phủ sóng được thì các doanh nghiệp viễn thông đã đạt 98,2% chương trình phủ sóng di động.
Đối với những thôn chưa tiếp cận được với cáp quang nhưng đã có sóng di động, tức là người dân có thể tiếp cận với các phương tiện truyền dẫn.
Theo thống kê, hiện nay trên cả nước vẫn còn khoảng 7.000 thôn bản chưa có đường cáp quang Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong năm 2022 đang tập trung xóa vùng lõm sóng di động. Sang năm 2023, Bộ sẽ hướng tới việc đưa cáp quang tới các thôn bản để cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho người dân ở các vùng này.
Những thông tin trên là minh chứng sống động cho thấy những nỗ lực của Việt Nam liên tục, không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Diệu Bình, Lê Na, Đỗ Khôi, Thục Anh