Kinh tế phát triển mạnh mẽ là nền tảng nâng cao tuổi thọ của người dân Việt Nam trong những năm gần đây. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được Đảng và Nhà nước coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

{keywords}
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được Đảng và Nhà nước coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế khá đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là người cao tuổi. Cả nước đã thành lập được 86 cơ sở chăm sóc và hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi phục vụ khoảng 20.000 đối tượng.

Từ thực tế đó, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đời sống người cao tuổi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.

Số lượng người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý...

Để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong xu hướng già hóa dân số, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nâng cao nhận thức về những thách thức của già hóa dân số và đời sống của người cao tuổi đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cộng đồng. Nhà nước cần giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm đảm bảo và cải thiện thu nhập của người cao tuổi có được từ lao động và hưu trí như: khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi dễ tổn thương theo hướng mở rộng; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nhóm dân số; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật.

Ngoài ra, Nhà nước cần phát triển mạnh mẽ hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi; tạo điều kiện hỗ trợ cho các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi do tư nhân cung cấp; xây dựng hệ thống bệnh viện và tổ chức nghiên cứu lão khoa trên phạm vi cả nước; xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mạn tính.

Vấn đề môi trường sống thân thiện, đi lại thuận lợi cho người cao tuổi ở cả đô thị, nông thôn cũng cần đươc quan tâm bằng cách đầu tư xây dựng công viên, vườn cây, sân chơi cho nhà chung cư cao tầng, nhà văn hóa làng để người cao tuổi gặp nhau và giao lưu với thế hệ trẻ; thiết kế các làn đường đặc biệt và các phương tiện thuận tiện; đảm bảo đường, lối đi và tiện ích công cộng dễ sử dụng và an toàn…

Già hóa dân số là xu hướng tất yếu của sự phát triển đối với một quốc gia. Tiến trình già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của xã hội, các thành phần kinh tế và các nhóm dân số trẻ tuổi hơn.

Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng có hướng tiếp cận toàn diện để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai. Việc xây dựng các chính sách liên quan cần xuất phát từ cách nhìn nhận người cao tuổi là một nguồn lực cho phát triển chứ không phải là những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách thụ động. Trong đó, phải đặt trọng tâm vào việc giúp người cao tuổi có một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.

Trần Hằng