Chị Phạm Mai, một người quan tâm về giáo dục chia sẻ cần có chiến lược quốc gia để tất cả học sinh Việt Nam được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao nhiều hơn. Qua đó cải thiện thể chất, tầm vóc của người Việt.
“Thủ tướng hãy quyết định ngay lập tức: Mỗi ngày có 1 giờ thể dục thể thao tại trường phổ thông", theo chị Mai nếu như vậy, Việt Nam có thể tiến xa hơn ở các sân chơi tầm quốc tế và không chỉ ở môn thể thao bóng đá,...
Theo Mai cho rằng, cần thay đổi hình thức học và thi thể dục như hiện nay.
“Chúng ta cần những thế hệ học sinh khỏe, có thể lực tốt và không cần điểm thi môn thể dục. Lũ trẻ cần có thời gian vận động thể chất để không bị béo phì và cận thị. Chúng có thể chọn bất kỳ môn thể thao nào, miễn có được sức khoẻ. Bởi khỏe về thể chất thì tinh thần và trí tuệ cũng “khoẻ” theo”, chị Mai chia sẻ.
Những dòng chia sẻ kêu gọi này nhanh chóng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng mạng. Nhiều phụ huynh cho rằng đây là đề xuất rất hay và bày tỏ sự cảm ơn vì đã lên tiếng hộ nhiều người.
Đồng quan điểm, một phụ huynh chia sẻ: “Mình rất ủng hộ. Con nhà mình học tối ngày còn không có thời gian để tham gia các hoạt động thể dục thể thao”.
Anh Vũ Hoàng Long bày tỏ sự nhất trí: “Cần nâng thể lực của các con lên và ngay trong các trường có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao hoặc giữa các trường với nhau”.
Một phụ huynh khác đưa dẫn chứng: “Hãy nhìn lứa cầu thủ của đội tuyển bóng đá Việt Nam giờ đây, có được phong độ thi đấu và sức khỏe dẻo dai như vậy chính là nhờ được luyện tập từ bé. Không thể không vun trồng mà có được quả ngọt”.
Chị Phạm Nga thì cho rằng chưa cần Thủ tướng ra quyết định mà tự mỗi gia đình, bố mẹ khuyến khích, vận động con cái tập thể thao hằng ngày như việc tất yếu như ăn uống đã phần nào cải thiện được vấn đề.
Trong khi đáng lẽ ra các con cần được rèn luyện thể lực và tăng cường vận động, thì thực tế hiện nay ở một số trường, các tiết thể dục đang bị cắt bớt hoặc tổ chức nhưng chỉ hình thức, “cho vui”.
Chị Nguyễn Trang tỏ ra buồn bã: “Lớp con mình còn bị cắt giờ thể dục để học toán, nhưng đến cuối năm phụ huynh mới phát hiện”.
Chị Phạm Lan Anh thì đề xuất chỉ nên cho các học sinh học một buổi trong ngày, buổi còn lại có thể cho các em tham gia thể dục, thể thao, âm nhạc, hội họa,...
Việc học thể chất có nhiều cái "lợi" mà ngay các phụ huynh cũng chỉ ra. Chị Thu Hằng, làm quản lý nhân sự ở một doanh nghiệp nước ngoài khi bàn về chuyện "diễn" trong các cuộc thi giáo dục đã nói: "Cứ yêu cầu học sinh thi thể dục thể thao nhiều vào, cái đó vừa khó "diễn" vừa phát triển lành mạnh cho học sinh".
Thậm chí mới đây, khi góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi, các học sinh ở Trường Dân tộc nội trú Thái Nguyên cũng đề nghị nên tăng cường thời gian vui chơi, hoạt động thể chất thì hiệu quả của việc giáo dục giới tính, giáo dục bình đẳng giới mới có tác dụng, chứ không phải những bài giảng trong sách vở.
Thực tế, giáo dục thể chất cũng là vấn đề được Bộ GD-ĐT xác định quan trọng và đặt ưu tiên trong việc hình thành năng lực và phẩm chất của các lứa học sinh tới đây. Cụ thể, ở chương trình phổ thông mới được áp dụng bắt đầu từ năm học 2020-2021, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.
Nội dung giáo dục thể chất được phân chia theo 2 giai đoạn cơ bản và định hướng nghề nghiệp.
Ở chương trình phổ thông mới, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung giáo dục với tỉ lệ như sau:
Tuy nhiên, không ít băn khoăn đặt ra bởi ngoài tâm lý "môn chính, môn phụ" đang phổ biến, thì vấn đề quan trọng là cơ sở vật chất để đáp ứng sân tập luyện, chỗ thi đấu...cho học sinh hằng ngày vẫn là chuyện xa xỉ ở nhiều trường phổ thông trong cả nước.
Thanh Hùng
Giáo dục thể chất trong nhà trường sắp tới có ‘vươn vai’?
Với "luồng gió mới" từ kết quả của đội tuyển U23 Việt Nam cùng những thay đổi hứa hẹn ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, câu hỏi đặt ra là "liệu giáo dục thể chất trong nhà trường có cải thiện trong thời gian tới?".