Sáng sớm ngày đầu tháng 11, anh Bùi Hoàng Hồng Thái (29 tuổi, ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đi ra trại nuôi ốc bươu rộng 15.000 m2. Chàng trai Tiền Giang rảo quanh bờ ao, thi thoảng nhặt vài con ốc đang bám vào rễ bèo để kiểm tra có bị nhiễm bệnh hay không. Thái nói: "Nếu ốc bệnh phải xử lý ngay, không để lây sang các con khác".

Thái là con một trong gia đình thuần nông ở Cái Bè. Học xong phổ thông, Thái đi nghĩa vụ quân sự.

Xuất ngũ năm 2016, thanh niên này về nhà và mưu sinh bằng nghề tài xế. Trong những chuyến xe, Thái suy nghĩ không thể làm nghề này mãi. Chàng trai chia sẻ: "Lúc đó nghĩ phải xây dựng một cái gì đó cho riêng mình".

Nuôi ốc.jpg
Anh Thái với những con ốc vừa vớt lên từ dưới ao. Ảnh: E.X

Trong một lần đi TP Cần Thơ, Thái tình cờ thấy mô hình nuôi ốc bươu đen nên rất thích thú và tự đặt câu hỏi cho mình "tại sao không nuôi ốc bươu đen". 

Sau khi tìm hiểu cặn kẽ tập tính, kỹ thuật nuôi... anh thấy ao trong vườn của gia đình mình có thể nuôi và phát triển ốc bươu. 

"Tôi thấy nghề tài xế chịu nhiều áp lực, thu nhập lại không cao, nên quyết định về nhà nuôi ốc để có nhiều thời gian cho gia đình, tạo thêm nguồn thu và may mắn ý định đó được cha mẹ ủng hộ”, Thái tâm sự. 

Năm 2017, Thái tìm hiểu thêm kỹ thuật từ một số người và bắt đầu nuôi ốc dưới ao trong vườn sầu riêng của gia đình rộng khoảng 5.000m2. Dẫu vậy, do không xử lý nguồn nước tốt, ốc bị hao hụt nhiều. 

0 Tiền Giang.jpg
Ốc bươu được Thái thả nuôi thuận tự nhiên dưới ao trong vườn sầu riêng. Ảnh: H.T
1 Đàn ốc.jpg
Đàn ốc nghìn con trong vườn của Thái. Ảnh: H.T

Sau lần thất bại, Thái “tầm sư học đạo” thêm và quyết định tiếp tục nuôi ốc thuận tự nhiên. Rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, Thái dần khắc phục những hạn chế và bắt đầu thành công.

Năm 2020, Thái quyết định thuê thêm đất để mở rộng trang trại nuôi ốc lên 15.000m2. 

Trước khi thả ốc giống, Thái thiết lập hệ sinh thái mới. Đáy ao được nạo vét, bổ sung khoáng, rải vôi, phơi trong nhiều ngày. Sau đó, anh cho nước vào ao rồi xử lý. Tầng mặt nước Thái thả bèo…

Một ao rộng khoảng 100m2, Thái thả khoảng 100.000 con giống, mỗi ngày cho ăn rau, củ, quả. “Tôi tận dụng những rau củ và trái cây có sẵn như mướp, bầu, bí, ổi, xoài, mít… cho ốc ăn vì mình nuôi theo hướng ốc sạch; việc này cũng tiết kiệm được nhiều chi phí…”, Thái nói. 

Từ lúc thả con giống đến lúc ốc trưởng thành và xuất bán mất khoảng 4,5-5,5 tháng. 

2Tien Giang .jpg
Những con ốc bươu "khủng". Ảnh: H.T
3 Tiền Giang.jpg
Ốc thịt có giá từ 35.000 - 60.000 đồng/kg. Ảnh: H.T 
4 Tiền Giang.jpg
Trứng ốc được thu hoạch vào để ấp. Ảnh: H.T

Theo chàng trai này, nuôi ốc bươu đen khó nhất là ổn định hệ sinh thái để chúng sinh trưởng, trong đó lo nhất là khi mưa lớn, lượng PH vượt ngưỡng sẽ làm ốc chết. 

Để đàn ốc phát triển tốt, nguồn nước phải sạch, theo dõi xử lý nước có độ PH từ 6,5-7,5, nước trong ao thường xuyên được cho ra vào để tạo môi trường tự nhiên, để ốc phát triển tốt nhất. 

Hiện nay, Thái vừa nuôi ốc thịt, vừa nuôi sinh sản. Sau khi ốc sinh sản, Thái thu hoạch trứng cho vào rổ rửa sạch và ấp trứng ở nhiệt độ 27-28 độ, mỗi ngày phun xịt nước 2 lần tạo độ ẩm.

Sau 13 ngày, trứng nở ra con, tiếp tục dưỡng ốc trong bể khoảng 14 ngày mới có thể xuất bán con giống.

Còn ốc thịt mỗi tháng chàng trai này cung ứng ra thị trường hơn 800kg, giá từ 35.000-55.000 đồng/kg.

Đối với ốc giống, Thái bán với giá 250 đồng/con, trứng 750.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành miền Tây và TPHCM. Nhờ đó, Thái thu lãi khoảng 350 triệu đồng/năm. 

Khoản tiền sinh lời, Thái lại quay vòng đầu tư vào các ao nuôi, dự định mở rộng quy mô. Đặc biệt, Thái rất “được lòng” khách mua ốc giống, bởi anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao đầu ra. 

"Tôi đang ấp ủ mở rộng diện tích nuôi và có thể làm sản phẩm từ ốc như ốc gác bếp, bán sẽ có giá trị cao”, Thái nói.

Thái cũng bày tỏ, công việc nuôi ốc dù thường xuyên phải ở ngoài nắng, tay chân lấm lem, nhưng đổi lại anh không phải chịu nhiều áp lực, tập trung cao độ, căng mắt nhìn… so với thời làm tài xế. Đồng thời, Thái cũng có thêm thời gian chăm sóc gia đình.