Sau khi xảy ra vụ tấn công khí độc giết chết hàng trăm người ở các vùng ngoại ô Damascus, người dân thủ đô Syria cho biết họ đang lo sợ các nguồn thực phẩm và nước uống của mình bị nhiễm độc.


Các nước phương Tây cho rằng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất trong nhiều năm qua vào rạng sáng ngày 21/8. Phía chính phủ Syria khẳng định họ không liên quan và quy trách nhiệm cho quân nổi dậy.

{keywords}
Tự chế mặt nạ phòng độc ở ngoại ô Zamalka, Damascus. (Ảnh: Reuters)

Dù ai là thủ phạm thì những người như bà Hanna ở Damascus đều rất lo lắng. Bà cho biết, ba con gái của bà hiện đang lo phiền về đồ ăn thức uống cho con cái họ.

"Chúng gọi cho tôi suốt ngày, và chúng như phát điên lên. Chúng hỏi: 'Mẹ ơi, dưa hấu thì sao? Loại quả đó có hấp thu hóa chất không? Còn sữa nữa?'. Tôi cố làm cho chúng bình tĩnh nhưng bản thân cũng rất lo lắng. Điều gì xảy ra nếu như tác động của hóa chất nhiều năm sau mới phát tác ở trẻ nhỏ?", bà nói.

Vụ tấn công bằng khí độc đã xả ra khu vực Ghouta, là nơi nhiều hécta đất nông nghiệp cung cấp rau tươi, thịt và sữa cho 3 triệu dân thủ đô Damascus.

"Tôi cầu mong Đấng tối cao sẽ bảo vệ chúng tôi. Bởi vì tôi thực sự muốn tự trồng rau và khoai nhưng trồng làm sao được ở căn hộ tầng 3 của tôi? Thậm chí nhà tôi còn không có ban công", một phụ nữ khác tên là Um Hassan bày tỏ.

Đối với Hassan, đây là lần đầu tiên bà thực sự lo lắng về nhiễm độc thực phẩm kể từ khi cuộc chiến do Mỹ đứng đầu ở Iraq khiến người Syria sợ nhiễm độc thực phẩm nhập khẩu.

Sau các cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus, chính phủ Syria đã đồng ý cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến hiện trường điều tra vụ việc. Hiện chưa rõ chất hoặc hợp chất độc hại nào đã gây ra cái chết của hàng trăm người ở đó.

Sarin - chất độc mà Mỹ và Pháp tin rằng đã được sử dụng các các vụ tấn công trước đó nhưng nhỏ hơn ở Syria - thường được hòa vào nước. Người dân có thể bị phơi nhiễm nếu tiếp xúc hoặc uống nước nhiễm độc, theo trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Con người cũng có thể bị nhiễm nếu ăn phải thực phẩm nhiễm độc. 

{keywords}
Một người đàn ông ngồi cạnh hai đứa trẻ được cho là bị nhiễm khí độc thần kinh ở Ghouta, Damascus. (Ảnh: Reuters)


"Liệu chúng tôi có phải đóng cửa suốt ngày không? Chất độc tồn tại bao nhiêu lâu trong không khí? Tôi nghe người ta bàn tán rất nhiều điều khác nhau", một nhà vật lý trị liệu 40 tuổi sống cách nơi xảy ra vụ tấn công chừng 15 phút lái xe băn khoăn và đặt ra các câu hỏi: "Liệu chúng tôi có phải tính chuyện rời thành phố hay không? Chúng tôi có bị lây nhiễm hay không?".

Một số người dân ở Damascus cho hay, trong đêm xảy ra vụ tấn công họ đã chứng kiến một số đợt bắn phá liên tục với những tiếng nổ to chưa từng có.

"Nơi tôi sống, chúng tôi thường nghe thấy tiếng tên lửa. Chúng tôi nghe thấy nó phóng qua không trung, rơi xuống và phát nổ", một cư dân ở khu Rukn al Din do quân nổi dậy kiểm soát ở vùng Ghouta kể. "Nhưng hôm đó, tôi thề là chúng tôi đã nghe thấy tiếng phóng từ nhiều phía. Cảm thấy như là tên lửa đang lao từ khắp nơi qua thành phố vào Ghouta", ông nói. 

Nghi ngờ thủ phạm vụ tấn công là chính phủ Syria hay quân nổi dậy nói chung phụ thuộc vào việc người cáo buộc ủng hộ phe nào.

"Tôi không biết ai đã làm. Nhưng mỗi bên đều đưa ra cáo buộc giống nhau, đổ lỗi cho đối phương. Và chúng tôi chỉ muốn điều này kết thúc. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi", Um Hassan nói.

Hiện tại, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang xem xét một phản ứng sau sự kiện này. 

Ahmad là một trong số rất nhiều người phải di dời vào Damascus từ Moadamiyeh, một vùng ngoại ô khác nơi cũng hứng chịu khí độc. Anh cho biết mình không còn quan tâm điều gì xảy ra nữa. 

Hiện tại, nhà quản lý này đang ở cùng vợ và 5 người con trong một căn phòng ở tầng hầm một tòa nhà tại Damascus.

"Chúng tôi đã mất rất nhiều rồi. Chúng tôi không biết nhà của mình bây giờ ra sao. Chúng tôi không thể đến được chỗ những người hàng xóm vẫn sống ở đó... Và bạn hỏi tôi nghĩ gì về việc người Mỹ sẽ đến đây? Thực sự là mọi thứ đã không thể tồi tệ hơn".

Thanh Hảo (Theo Reuters)