Người dân thủ đô đang phải chịu cảnh dùng nước sinh hoạt bẩn, thậm chí không có nước để dùng trong hàng nhiều ngày, trong khi đó giá nước lại tăng, còn nhà cung cấp thì lãnh cảm, thờ ơ và vô trách nhiệm.

Trong chương trình Chào buổi tối 4/10 trên kênh VTC 14, tình trạng hàng chục nghìn người ở Hà Nội không có nước sạch để sinh hoạt trong nhiều ngày đã được phản ánh một cách rất chi tiết.

Những sự cố do ảnh hưởng vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 15 chưa làm nguôi ngoai dư luận thì ngày 1/10 vừa qua, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội đã tăng lên 19%.

Với mức điều chỉnh này, một gia đình 4 người sẽ phải trả thêm tới hàng chục nghìn đồng trong một tháng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi giá nước tăng lên thì chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp nước lại cho thấy đang bị giảm đi một cách trầm trọng.

Theo công ty nước sạch Hà Nội Hawacom, với mức tăng 19% thì một hộ dân sử dụng 10m3 sẽ phải trả thêm 9.000 đồng so với mức giá cũ. Còn nếu sử dụng từ 10 m3 cho tới 20 m3 sẽ phải trả thêm từ 11.000 - 22.000 đồng so với mức giá cũ. Nếu sử dụng trên 30 m3 thì sẽ phải trả thêm 60.000 đồng - một mức tăng không hề nhỏ.

Theo lý giải của công ty này, mức tăng 19% được cho là bởi phí bảo vệ môi trường đã tăng lên gấp 6 lần. Chi phí điện tăng bình quân 10%/năm, chi phí tiền lương tăng bình quân 30%/năm, công thêm chi phí khấu hao để có thể phát triển mở rộng mạng lưới.

{keywords}

Người dân Hà Nội vẫn đang phải chịu cảnh dùng nước bẩn, hoặc không có nước dù giá nước thì vẫn được tăng theo lộ trình

Tuy nhiên theo các chuyên gia trong nước phân tích thì việc tăng giá nước sinh hoạt để bù đắp lại hàng loạt các chi phí trên là một quy trình ngược trong kinh doanh, bởi phải dùng một khoản tiền khác để cải thiện hạ tầng cấp nước và chất lượng nước rồi mới tính tới việc tính giá nước.

Vì vậy có thể thấy là việc tăng giá lần này, nhà cung cấp đang "đổ" những chi phí này lên đầu người dân gánh chịu trước.

Ngoài ra tỷ lệ thất thoát nước ở Hà Nội đang được nhiều ý kiến cho rằng là ở mức khá cao, từ 18 - 25%. Có thể thấy đường ống nước sông Đà cũng như các đường ống nhánh dẫn nước bị vỡ và bị hỏng nhưng lại chậm được phát hiện và xử lý, khiến cho người dân phải chịu thiệt hại ngày càng lớn.

Hiện nay vẫn chưa có con số tính toán chính xác về sự thiệt hại này, tuy nhiên ở TP HCM, với tỷ lệ thất thoát nước sạch lên tới hơn 30% thì thành phố này đang lãng phí tới 1.000 tỷ đồng, và con số 1.000 tỷ này đang được tính vào giá nước của người dân.

Vì vậy mà đường ống vỡ càng nhiều, thiệt hại càng lớn thì người dân càng phải gồng gánh nhiều.

Rõ ràng người dân không thể trả thêm tiền vì sự quản lý yếu kém của các nhà cung cấp, nhất là khi dù mất thêm tiền nhưng chất lượng dịch vụ và chất lượng nước cũng không được cải thiện.

Chương trình Chào buổi tối 4/10 đã cho thấy thực trạng người dân ở Hà Nội đang phải dùng nước bẩn để sinh hoạt. Tại chung cư Đặng Xá - Gia Lâm - Hà Nội, người dân đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm Asen (As) cao hơn gấp 1,4 lần so với quy định.

Thậm chí tại khu vực Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội kết quả xét nghiệm cho thấy Asen trong mẫu nước ở đây cao gấp 40 lần so với mức cho phép.

Các hộ dân rõ ràng được sử dụng nước máy - nước sạch nhưng vẫn phải mua các máy lọc nước để lọc các cặn bẩn trong nước, với mức giá cho mỗi chiếc máy lọc nước rẻ nhất cũng phải từ 5 - 7 triệu đồng.

Chương trình Chào buổi tối 4/10 cũng đã nêu ra vấn đề về sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những nhà cung cấp nước. Đặc biệt là trong những ngày vừa qua, dư luận đang rất bức xúc trước phát biểu của ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, rằng: "Người dân bị ngừng cấp nước trong 1 ngày cũng không ảnh hưởng lắm".

Có lẽ, chỉ ở Việt Nam mới có chuyện một lãnh đạo chịu trách nhiệm cao nhất lại có thể trả lời một cách lãnh đạm, vô cảm và thiếu trách nhiệm đến mức như vậy.

Nhiều hộ dân còn đang phải trả hóa đơn tiền nước cao đến mức "giật mình", khi gọi điện phản ánh lên đường dây nóng thì không ai trả lời, gửi thư thì không có phản hồi.

Hoặc khi cắt nước, mất nước thì nhà cung cấp cũng không một lời thông báo, cũng không một lời giải thích.

Trong hợp đồng cung cấp nước sinh hoạt, trách nhiệm của nhà cung cấp nước lại không rõ ràng nên người dân phải chịu rất nhiều thiệt thòi, đặc biệt là cụm từ "trong trường hợp bất khả kháng" thì nhiều người không hiểu nó bao gồm những trường hợp gì, và thế nào là "bất khả kháng".

Trả lời phỏng vấn chương trình Chào buổi tối 4/10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, lý do vẫn còn tồn tại tình trạng nhà cung cấp trách nhiệm ít nhưng quyền nhiều là bởi họ vẫn đang nắm thế độc quyền, trong khi nhu cầu về nước sạch để sinh hoạt là không thể thiếu đối với mỗi người.

Ngay cả khi chất lượng nước không tốt thì cũng sẽ không có chuyện nhà cung cấp bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn muốn được bồi thường thì người dân phải chứng minh được thiệt hại bằng những thủ tục hết sức rườm rà và mất thời gian.

Vì vậy có thể thấy, chờ được vạ thì má đã sưng. Tình trạng độc quyền về cung cấp nước sạch vẫn sẽ tiếp tục, người dân thì vẫn đành ngậm đắng nuốt cay.

Những phụ sản sẽ phải hoãn mổ vì không có nước sạch, các hộ dân từ người già cho tới trẻ em phải hàng ngày cặm cụi đi xách từng xô nước sạch như từ thời bao cấp. Trong khi đó, đường ống "mong manh" nhất thế giới ở ngoài kia vẫn có nguy cơ vỡ thêm một hoặc nhiều lần nữa.

Theo VTC