Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu suy giảm và hiện truyền thông Hàn Quốc lẫn Mỹ đều đưa tin, Triều Tiên đang chuẩn bị thử hạt nhân lần 6 vào 25/4, nhân kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập quân đội.
Theo báo Global Times, Triều Tiên được cho là đã sơ tán cư dân sống gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Trước đó, hồi tháng 9/2016, Triều Tiên cũng thử hạt nhân lần thứ 5 tại Punggye-ri.
Trong bối cảnh như vậy, cuộc sống ở các thành phố biên giới của Trung Quốc với Triều Tiên vẫn diễn ra như bình thường, bất kể có nhiều người dân tỏ ra lo lắng về những gì sắp xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên.
Cô Quách ở Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, nói với Global Times rằng cô rất lo khi nghe tin về những vụ thử hạt nhân sắp tới của Triều Tiên. "Chúng tôi có thể cảm thấy mặt đất rung chuyển khi họ thử hạt nhân lần gần đây nhất. Liệu nó có sớm tái diễn? Người già và trẻ nhỏ đều hốt hoảng".
Diên Cát là thủ phủ của châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên, nằm cách biên giới Triều Tiên và Trung Quốc 10km. Trong khi đó, bãi thử hạt nhân Punggye-ri chỉ cách biên giới Trung Quốc cũng như nhiều thành phố lớn của nước này khoảng 100km. Trong lần thử nghiệm hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên, các thành phố Diên Cát, Đồ Môn Tumen của Cát Lâm (Trung Quốc) đều hứng chịu địa chấn.
Cổng thông tin Sohu cho biết, một trường tiểu học ở Yanji đã phải sơ tán học sinh sau khi Triều Tiên thử hạt nhân vào tháng 9/2016.
Ông Trương, một cư dân ở Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, nằm gần biên giới Triều Tiên cho hay, ông sợ rằng núi Trường Bạch sẽ phun trào do những trận động đất nhân tạo. Núi Trường Bạch nằm chắn giữa biên giới hai nước.
Ông cho rằng nếu tình hình xấu đi, nhiều khả năng người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn sang Trung Quốc.
Một cư dân khác ở Diên Cát cũng bày tỏ lo ngại rằng việc Triều Tiên thử hạt nhân sẽ gây hại cho môi trường. "Người Triều Tiên hiện thiếu hụt mọi thứ, từ thực phẩm tới năng lượng cũng như công nghệ. Làm thế nào chúng ta có thể biết được các vụ thử hạt nhân của họ sẽ không gây hại cho không khí, đất đai và đặc biệt là nước ngầm".
Lý Quốc Uy, 54 tuổi, một cư dân ở Diên Cát cho biết: "đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy tin đó và có lẽ giờ cũng không phải lần cuối cùng. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn".
Theo Global Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump hôm nay (24/4) đã điện đàm về quan hệ song phương và tình hình bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ giữ liên lạc để nhanh chóng trao đổi quan điểm về những vấn đề lớn mà hai bên đều quan tâm.
- Hoài Linh
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Chệch một ly, đi một dặm
Khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên không cao song chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến mọi việc vượt tầm kiểm soát
Triều Tiên phóng tên lửa giữa lúc căng thẳng
Sáng nay (16/4), Triều Tiên đã cố phóng một tên lửa từ bờ biển phía đông nước này song thất bại.
Những lý do khiến Mỹ không thể đánh Triều Tiên
Lập trường của Washington về Bình Nhưỡng dẫn tới nhiều đồn đoán rằng Triều Tiên sẽ là mục tiêu tiếp theo.