Dù phản đối vẫn quyết tận thu

Như VietNamNet đã đưa tin, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực vào ngày 5/12 quy định: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Điều này có nghĩa, hết quý III doanh nghiệp đã phải tạm tính và tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý IV, thay vì hết quý IV như trước đây.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, Nghị định 126 ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/12, các DN có hạn nộp vào ngày cuối của tháng 10 là quý 3 của năm nay chưa chịu sự điều chỉnh của Nghị định 126. Các DN năm nay biến động về thuế TNDN không chịu tác động của Nghị định 126, sang năm 2021 mới chịu sự tác động của Nghị định này. Cụ thể, đến tháng 10/2021, DN mới phải tạm nộp 75% thuế TNDN của năm 2021.

Tại hội nghị đối thoại thuế - hải quan vừa qua, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ: “Theo các quy định trước đây, trong năm, nếu doanh nghiệp không tạm nộp thuế TNDN 4 quý của năm ở mức 80% số thuế TNDN cả năm sẽ phải nộp tiền chậm nộp. Tuy nhiên, trước thực tế điều hành ngân sách và theo dõi một số doanh nghiệp lớn có báo cáo quý, việc tạm nộp thuế TNDN đảm bảo thực hiện theo tiến độ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP”, ông Đăng Ngọc Minh chia sẻ.

Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh cho hay đặc thù ngân sách của Việt Nam rất khó khăn. Mục đích của thu ngân sách chủ yếu để chi cho các hoạt động quản lý nhà nước, nhất là phân bổ cho các tỉnh có số thu ngân sách không đủ bù chi. Vì thế, tiến độ thu ngân sách rất quan trọng với hoạt động của nhiều địa phương.

Cộng 2 nội dung này và trên cơ sở cân đối lợi ích của toàn xã hội, Bộ Tài chính đã xây dựng nội dung như tại điểm b, Khoản 6, Điều 8 của Nghị định 126 đã quy định, nhằm đôn đốc kịp thời các khoản thu phục vụ cho vấn đề điều hành ngân sách của Chính phủ, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế quyết tâm: “Một số doanh nghiệp có ý kiến không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều có ý kiến, mà phải lưu ý vấn đề điều hành ngân sách của các địa phương cũng như cân đối lợi ích của toàn xã hội", lãnh đạo Tổng cục Thuế nói.

{keywords}
 

Có thể thấy, dù doanh nghiệp lên tiếng nhưng vì mục tiêu “thu ngân sách” mà ngành thuế vẫn quyết sửa, mà có thể nói là “sửa hơi quá tay”. Nếu soi lại, 3 quý đầu năm, doanh nghiệp mới ra được báo cáo của 3 quý, việc phải tạm nộp số thuế của cả năm là điều “khó có thể tuân thủ quy định”. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, nếu ngành thuế muốn quản lý các doanh nghiệp thì có thể quy định số thuế tạm nộp của 3 quý đầu không được thấp hơn 75% số thuế phải nộp của 3 quý đầu năm, thay vì là phải nộp của cả năm như Nghị định hiện nay đang yêu cầu.

Khó khăn dịch bệnh, cạn tiền vì ứng thuế

Không đồng tình với giải thích của Tổng cục Thuế về tính “không phổ biến” của các trường hợp có doanh thu đột biến trong quý IV, nhiều doanh nghiệp nói thẳng: Hàng năm, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cũng có dự toán thu ngân sách hàng năm. Liệu Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính có dám khẳng định rằng đến hết quý III có thể thu được 75% số thu ngân sách của cả năm theo dự toán hay không? Nếu không thu được thì họ chấp nhận bị phạt không?.

Mở rộng hơn, các DN nhấn mạnh, không DN đặt kế hoạch thu từng quý mà chỉ dám đề ra mục tiêu cả năm. Và tất nhiên ai cũng ước mơ hoàn thành tốt kế hoạch nhưng kinh doanh luôn biến động và khó khăn, nhất là những năm như 2020 thì không ai lường trước được điều gì. DN đang hào hứng vào vụ cuối năm sau gần 90 ngày không Covid thì lại bùng dịch ở Sài Gòn, vậy ai dám tết này có lãi nhưng với quy định này thì lỗ hay lãi chưa biết nhưng phải ứng thuế trước đã.

Có thể thấy, đến lúc này Tổng cục Thuế vẫn bảo lưu quan điểm liên quan đến quy định tạm nộp thuế kể trên dù có nhiều tiếng nói phản đối. Và việc thực hiện và kéo dài quy định này sẽ để lại nhiều hệ luỵ. Đến khi ý kiến DN được tiếp thu, sửa đổi có thể kéo dài cả năm và để lại nhiều hậu quả.

Thực tế, khi Nghị định 20/NĐ-CP năm 2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị doanh nghiệp phàn nàn, Thủ tướng Chính phủ phải nhắc 3 lần và mất 3 năm mới được sửa đổi phần nào. Nghị định 20 chỉ ảnh hưởng khoảng 8.000 doanh nghiệp, trong đó 83% là doanh nghiệp FDI, còn lại là doanh nghiệp “nội” nhưng đã bị phản ứng dữ dội, còn với quy định tạm nộp thuế này, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều với đủ các thành phần kinh tế đang kiệt sức vì khó khăn.

Nhưng ai sẽ chia sẻ với doanh nghiệp vốn đang bị “bầm dập” suốt cả năm nay vì đại dịch Covid -19, với hàng triệu lao động đã đang và sẽ bị ảnh hưởng?.

Đại dịch Covid – 19 giờ đây đã chính thức quay trở lại trong cộng đồng, doanh nghiệp, người dân lại nơm nớp lo sợ về một làn sóng mới. Cộng thêm quy định từ chính sách thuế này, nỗi lo sức cùng lực kiệt đang đè nặng lên từng doanh nghiệp. và khi doanh nghiệp đã kiệt sức thì có muốn “chia sẻ với Nhà nước” như mong muốn của Tổng cục Thuế cũng khó.

Không có tiền vẫn phải ứng tiền nộp thuế cho kỳ vọng tương lai. Một DN ví von: “Việc hết quý III đã phải tạm nộp 75% số thuế của cả năm không khác gì đánh thuế ước mơ. Người Việt hay nói không ai đánh thuế ước mơ. Nhưng giờ đây, họ sẽ phải thay đổi suy nghĩ này khi ước mơ cũng sẽ bị đóng thuế”.

H.Nam

Tiền chưa có vẫn phải nộp thuế, DN kiệt sức lấy đâu nguồn thu

Tiền chưa có vẫn phải nộp thuế, DN kiệt sức lấy đâu nguồn thu

Cơ quan soạn thảo cần thay đổi tư duy làm luật trước khi trình lên Chính phủ ban hành những chính sách liên quan sát sườn đến doanh nghiệp. Tư duy ấy không gì khác ngoài việc “nuôi dưỡng nguồn thu.