Bệnh nhân là ông N.D.H. Nói với bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương (Nghệ An), người nhà cho biết ông H. đang làm vườn bị ong vò vẽ đốt nhiều vào vùng đầu, mặt, tay và chân.

Bác sĩ cho biết lúc vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở rít, tím tái. Bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc phản vệ do ong đốt và đã tiến hành cấp cứu khẩn trương để bệnh nhân thoát sốc. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng ổn định, bệnh nhân được xuất viện.

Bác sĩ Trương Văn Linh, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, cho biết thời điểm chuyển mùa, ong sinh sôi nhiều nên số lượng bệnh nhân bị ong đốt gia tăng, thường gặp ở người trong độ tuổi lao động và trẻ em.

Riêng trong tháng 6, Bệnh viện đa khoa Thanh Chương tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho hơn 40 bệnh nhân bị ong đốt.

Tùy loài ong đốt, cơ địa người bệnh, độ tuổi và số lượng vết đốt mà tình trạng bệnh khác nhau và cách xử trí khác nhau. Ong đốt có thể gây phản vệ, suy thận cấp dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị ong tấn công, người dân phải bình tĩnh, tìm chỗ tránh, không vung tay xua đuổi khiến ong đến nhiều hơn.

Ngay sau khi bị ong đốt, cần rửa sạch các vết đốt bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng; đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề khoảng 15-20 phút có thể giúp giảm đau và giảm phù nề.

Người dân nên đến bệnh viện khám và điều trị sớm, đặc biệt nếu sau khi bị ong đốt có xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, nổi nhiều dát sẩn ngứa, đau bụng, đau đầu chóng mặt, tức ngực khó thở, ngất xỉu... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng và tổn thương suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.