- Những năm gần đây, 'trào lưu' dâng sao giải hạn sau Tết Nguyên đán ngày càng nở rộ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhưng việc hiểu và ứng xử đúng với hoạt động này dường như chưa được nhiều người coi trọng.

Đi tìm dịch vụ dâng sao giải hạn

Chị Trịnh Hồng (34 tuổi, ở đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, năm nay chồng chị bị sao Thái Bạch chiếu mệnh nên tát lo lắng. “Thái Bạch hết sạch cửa nhà”, lấy gì nuôi đàn con ăn học? Sau Tết, nghe mọi người mách, chị nằng nặc đòi chồng đến một ngôi chùa nổi tiếng ở giữa trung tâm Hà Nội để dâng sao giải hạn.

Ấy vậy mà chồng chị phản đối gay gắt “Tại sao lại phải dâng sao? Làm tốn tiền, ích gì?”

{keywords}
Chỉ dẫn của nhà chùa cho du khách có nhu cầu dâng sao giải hạn

Thấy mặt vợ nặng chịch, anh dỗ dành: “Lần trước sao Thái Bạch chiếu mệnh, anh có đi dâng sao giải hạn đâu mà mình vẫn xây được nhà cửa đàng hoàng? Hết tiền, vay mượn cũng là vì chi phí vào công to việc lớn, nên không gọi là nghèo hèn khánh kiệt”.

Nhưng chị Hồng nhất quyết không chịu. Đến chùa không được thì đi gặp thầy. Chị được mách có một thầy rất cao tay ở đường Kim Mã, đoán mệnh như thần, trừ tà đuổi quỷ dễ như ném dép xua gà, công sá không đòi hỏi, chỉ tùy tâm. Anh Long, chồng chị ngơ ngác vì “thầy bói cũng thầu luôn cả dịch vụ dâng sao giải hạn!?”.

Nhà thầy nằm cuối ngách một con ngõ nhỏ, dốc và ít ánh sáng của phố Kim Mã. Hình ảnh, địa chỉ và số điện thoại của thầy đầy trên mạng facebook, chẳng cần hỏi thăm cũng tìm được.

Còn dễ nhận diện hơn là ở đầu ngách có mấy người xếp ghế nhận trông giữ xe xếp dài hai mặt ngõ.

Cả một đám con gái trẻ đang đứng ngồi lố nhố ở bên ngoài cửa ngôi nhà cuối ngách: “Thầy đang nghỉ, không tiếp khách”. “Về đi, mai đến sớm mà đợi. Khối người qua lại 3, 4 lần mà chưa được gặp thầy đâu”. “Em đợi từ sáng rồi này, đã đến lượt đâu?”… Chẳng dễ mà kéo được chồng đến đây, chị Hồng quyết định đợi.

Thầy chỉ trạc 30 tuổi. Dáng phương phi, thấp đậm, da ngăm ngăm, tóc điểm vàng và đôi lông mày được vẽ dày như nét bút mực Tàu. Thầy chia bài trên chiếc bàn kính và đuổi một anh đến xin giải hạn sao Thái Bạch vì anh này cũng là người 'biết nghề', am tường chẳng kém thầy.

Những người ngồi đợi trong phòng nín thở tròn mắt phục tài thầy. Riêng chồng chị Hồng chỉ cười nhạt.

"Chiêu trò" của các thầy

Mỗi ngày thầy chỉ hành nghề vào những giờ nhất định, sau 9 giờ sáng và 14 giờ chiều, hoặc 19 giờ tối. Khách đến đợi cứ đợi, thầy bận không tiếp. Cứ đúng giờ thầy mở cửa, hoặc đông quá thì hé cửa “ban ơn” cho ai đó may mắn được gặp thầy. Những người len theo vào thì thầy sẽ “miễn cưỡng” trao đổi.

Đây thực chất chỉ là một chiêu trò, thầy gom những người khách cùng tập trung lại một thời điểm để họ nhìn nhau mà tin rằng mình danh tiếng nên đông khách. Những người không đủ kiên nhẫn trước các trò làm mình làm mẩy của thầy, rõ ràng là chưa đủ tín nhiệm thầy, chỉ biết thầy qua tin đồn của ai đó vô tình hoặc cố ý tung lên mạng xã hội.

Một vài người bỏ đi nhưng số khách la liệt ngồi đợi ngoài cổng, có tác dụng lớn cho “uy tín” của thầy. Số người đã đợi dài cổ nhiều ngày thì chắc là đã tin thầy. Lúc đó thầy nói gì chẳng được, bảo sao mà chẳng nghe?

Việc thầy mạnh miệng phán nọ kia về một người khác nào đó, đại loại: “Anh đã cặp bồ và đang có con riêng”, “Chị không đủ thành ý, còn có ý khác”… chỉ là cách phủ đầu gây ấn tượng mạnh cho những người trong căn phòng sơn thếp rực rỡ và mùi nhang khói.

Khi đuổi khách về, thầy luôn 'thòng' một câu “mai anh quay lại”, “tuần tới giờ này giờ này anh có mặt”. Đó là cách nuôi giữ những khách hàng tiềm năng. Nếu không đủ trải nghiệm, tỉnh táo quan sát và đánh giá, người ta rất dễ bị cuốn vào mê cung của các thầy.

Sau khi trả 10 ngàn đồng gửi xe ra về, chồng chị Hồng ngán ngẩm giải thích cho vợ: "Anh từng gặp đủ dạng thầy bói, thầy cúng, pháp sư, phong thủy rồi, nên không lạ".

Niềm tin bị lợi dụng và lạm dụng

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, chia sẻ: Nguyên nhân một bộ phận người dân bỗng trở nên quan tâm quá mức đến việc dâng sao giải hạn, có thể bắt nguồn từ tâm lý thực dụng.

{keywords}
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian

"Họ lo lắng, sợ hãi trước những thay đổi, biến động của cuộc sống có thể ảnh hưởng đến túi tiền, công việc, cơ hội của mình. Từ đó sẵn sàng bỏ một khoản nhỏ hơn để đáp ứng các điều kiện khác, mong mỏi thu lại những món lợi lớn hơn" TS Sơn nói và nhấn mạnh dâng sao giải hạn hay cướp ấn, cướp phết…, những gì liên quan đến may mắn, lợi lộc sẽ khiến người dân đua nhau làm, tranh giành cho bằng được. Cả người có nhu cầu và người đáp ứng nhu cầu, hầu hết đều chưa hẳn đã hiểu đúng bản chất việc mình làm, nhưng nhu cầu được lợi là rất lớn.

"Tôi cho rằng, chữ “Lộc” đang được đề cao hơn so với chữ “Phúc” trong quan niệm của không ít người. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các ứng xử, nếp sống văn hóa, quan niệm sống đẹp” - ông Sơn nói.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn phản đối sa đà vào việc này nhưng ông cho rằng "không cần thiết phải ban một mệnh lệnh hành chính để can thiệp. Chỉ cần làm tốt công tác tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng bản chất, thì tự khắc mọi người sẽ ứng xử đúng”.

Gia Phong