Các quan chức Mỹ và các chuyên gia về châu Á cũng nhận định, chuyến thăm của bộ trưởng Chuck Hagel đã hé lộ mặt thiếu vững vàng của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc.

>> Khủng hoảng Ukraina cho Mỹ bài học ứng phó TQ?

>> Vũ khí Trung Quốc "nhiễu loạn" khu vực Đông Nam Á

Khi Robert M. Gates đến thăm Trung Quốc năm 2011, với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này đã tiếp đón ông bằng một màn thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình bất ngờ, và đầy khiêu khích. Màn phô trương lực lượng táo bạo đó đã khiến các vị khách người Mỹ phải sửng sốt, và có lẽ cả Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào cũng không khỏi ngạc nhiên.

Trong cuộc viếng thăm mới đây nhất của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ - Chuck Hagel, quân đội Trung Quốc đã đón tiếp ông bằng một chuyến đi được mong đợi từ lâu trên Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của nước này. Các quan chức Mỹ hiểu đây là quyết tâm thể hiện sức mạnh hải quân của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng xoay quanh những hòn đảo đang tranh chấp ở các khu vực biển Đông và Hoa Đông.

Màn biểu diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc cho thấy sau nhiều năm đầu tư mạnh tay, cuối cùng Trung Quốc cũng thu được những kết quả nhất định, và có lẽ cũng mang hàm ý rằng giờ đây Trung Quốc đã sẵn sàng hơn để có thể đứng ngang hàng với Mỹ, ít nhất là trong các vấn đề an ninh khu vực.

Phô diễn nhưng vẫn mơ hồ

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và các chuyên gia về châu Á cũng nhận định, chuyến thăm này đã hé lộ mặt thiếu vững vàng của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc. Họ sẵn sàng phô diễn sức mạnh trước cả khi sẵn sàng triển khai sức mạnh ấy, và họ dường như vẫn mơ hồ về chiến lược bảo vệ các tuyên bố lãnh thổ của mình ở khu vực.

Bộ trưởng Hagel đã gặp cả những cảnh báo hiếu chiến trong các diễn đàn công khai, cũng như những phàn nàn riêng về việc Bắc Kinh cảm thấy như mình đang bị vây hãm bởi các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và Philippines, và nước này đề nghị Mỹ giúp một tay giải quyết. Một số quan chức Mỹ có ấn tượng rằng Trung Quốc vẫn chưa quyết định được hướng đi cho mình: nên làm nổi bật tình trạng của một nước bị thua thiệt, phải chịu nhiều điều tiếng, hay thể hiện tư thế mới như một cường quốc quân sự.

Ở phía cứng rắn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn tuyên bố, Trung Quốc sẽ "không thỏa hiệp, không nhượng bộ, không thương lượng" trong cuộc chiến giành lấy những gì là "chủ quyền lãnh thổ" của đất nước mình.

"Quân đội Trung Quốc có thể tập hợp ngay khi có hiệu lệnh, trận đánh nào cũng sẽ chiến thắng," Tướng Thường khẳng định.

{keywords}
Máy bay cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của TQ

Tuy nhiên, lập trường cứng rắn như vậy không đúng với thực tế khác hẳn đang diễn ra, với một quân đội có rất ít hoặc đúng hơn là không có kinh nghiệm chiến đấu, với hệ thống trang thiết bị lạc hậu hoặc chưa thử nghiệm, và với cảm giác tứ phía bao vây. Theo lời các quan chức có mặt trong chuyến thăm của Bộ Quốc phòng Mỹ, Liêu Ninh vẫn ở rất xa so với các nhóm tàu sân bay của Mỹ. Một quan chức quốc phòng trong đoàn tùy tùng của Hagel tiết lộ riêng rằng Liêu Ninh "không lớn, và cũng không nhanh" bằng các tàu sân bay Mỹ.

Một số chuyên gia về Trung Quốc còn tỏ vẻ coi thường hơn. Liêu Ninh là "con tàu thừa ra từ thời Liên Xô, đã được dùng làm khách sạn sau khi bị bỏ đi," Andrew L. Oros, PGS về khoa học chính trị và là chuyên gia về Đông Á, nhận định.

"Theo tôi, đây là vấn đề tự hào dân tộc, về khả năng thách thức những cường quốc đã tàn phá và gây đau thương cho Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20," Oros nhận định. "Tôi cho rằng, chính điều này đã dẫn họ [Trung Quốc] tới hành động phô trương thái quá. Họ một mặt quả thật hài lòng về năng lực của mình, một mặt muốn làm vui lòng người dân trong nước."

Khi đứng cạnh ông Hagel tại trụ sở Bộ Quốc phòng, tướng Thường đã so sánh bản thân với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người đã hai lần được trao huy chương Purple Heart trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. "Bộ trưởng Hagel và tôi đều là những cựu binh từng chiến đấu trên mặt trận đó," câu nói của tướng Thường khiến nhiều người Mỹ phải nhướng mày ngạc nhiên.

Có thể là như vậy, nhưng không có một nhân vật nào trong giới lãnh đạo quân sự hay chính trị của Trung Quốc lại có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh sau ba thập niên gần như chỉ tập trung vào phát triển kinh tế; và quân đội của đất nước này cũng không được huấn luyện chiến đấu thực tế. Theo các quan chức người Mỹ, ngay cả Nhật Bản, một đất nước tránh chiến tranh sau Chiến tranh Thế giới 2, cũng có lực lượng hải quân mạnh hơn Trung Quốc, nhờ thường xuyên được diễn tập với hải quân Mỹ, và được đào tạo chuyên môn sâu để làm đối trọng với chiến dịch đầu tư khủng mà Trung Quốc thực hiện trong nhiều năm.

Trong cuộc gặp riêng với ông Hagel, các quan chức Trung Quốc tỏ ra phòng thủ hơn, họ bày tỏ sự thất vọng của họ với việc Nhật Bản và Philippines đang lợi dụng quan hệ liên minh với Mỹ để có hành động táo bạo hơn, và cả hai đang vây hãm Bắc Kinh.

Câu trả lời của Mỹ, rằng Mỹ trung lập trong các tuyên bố đối chọi về chủ quyền đối với những quần đảo đang tranh chấp ở khu vực biển Hoa Đông hoặc những đảo và rải đá ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, dường như chỉ làm người Trung Quốc thêm kích động. Bắc Kinh cũng phản đối cam kết của chính quyền Tổng thống Obama về việc Mỹ có các nghĩa vụ theo hiệp ước liên minh với Tokyo và Manila.

Ngày 9/4, tờ Trung Hoa Nhật báo đã chạy một hàng tít tuyên bố Bộ trưởng Hagel đã bị tướng Thường Vạn Toàn "hối thúc kiềm chân Nhật Bản." Song, theo lời các quan chức Mỹ, những tuyên bố mạnh mẽ công khai như vậy của các nhà lãnh đạo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa một phần là hướng đến người dân Trung Quốc, nhằm trấn an họ trước các diễn biến trong khu vực.

Chi tiêu quân sự chỉ sau Mỹ

Tuy nhiên, không một quan chức nào của Lầu Năm Góc phủ nhận những bước nhảy vọt của quân đội Trung Quốc trong mười năm trở lại đây. Trung Quốc hiện nay đang chi tiêu cho quân sự chỉ sau Mỹ. Con số chi tiêu quân sự hiện tại của nước này là 148 tỷ USD, tăng từ 139 tỷ USD trong năm 2013. Mặc dù con số này chỉ bằng 1/4 chi tiêu quân sự của Mỹ, song rất có thể trong tương lai tình hình sẽ đổi khác khi chi tiêu hiện tại cho hoạt động quân sự của Mỹ đang giảm. Từ 664 tỷ USD năm 2012, chi tiêu quân sự cho năm 2014 chỉ còn 575 tỷ USD. Các chuyên gia ước tính, trong năm tới đây, Trung Quốc sẽ chi tiêu cho quân sự nhiều hơn chi tiêu của ba nước Anh, Đức và Pháp cộng lại.

Ngoài ra, đối với Bắc Kinh, Liêu Ninh, mặc dù là một bước tiến dài về sức mạnh quân sự, chỉ là bước đệm khởi đầu cho các chiến dịch hải quân trong tương lai.

"Tháng 8/2011, khi chiếc tàu sân bay sau này được gọi là Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành hành trình thử nghiệm đầu tiên, tôi tình cờ có mặt trên mẫu hạm U.S.S. John C. Stennis, chứng kiến hoạt động của các tàu bay" Andrew Scobel, một nhà khoa học chính trị cấp cao tại RAND Corporation kể lại. "Tôi nhớ lúc đó mình đã lắc đầu kinh ngạc và thầm nghĩ: "Người Trung Quốc sẽ không bao giờ làm được điều này!"

Thế nhưng bây giờ, những chiếc máy bay đang cất cánh từ Liêu Ninh. "Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa được đánh giá là có năng lực," ông Scobell nhận định, "và một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất cho điều này là Lầu Năm Góc hiện đang tập trung phản đối cái mà Trung Quốc tự nhận là khu vực cảnh báo hàng không của mình, một biệt ngữ quân sự chỉ học thuyết mà Bắc Kinh có thể sử dụng để từ chối khả năng hoạt động quân sự của Mỹ ở những khu vực biển nhất định gần Trung Quốc khi khủng hoảng diễn ra.

Hà  Trang (theo NYT)