Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động với những kế hoạch lên sàn khủng, sáp nhập quy mô lớn và giao dịch nổi bật. Tuy nhiên, áp lực chốt lời vẫn lớn và điều chỉnh có thể còn tiếp diễn.
Thông tin nổi bật trong những phiên đầu tuần mới là kế hoạch lên sàn của một số các ngân hàng. Thông tin này ngay lập tức tác động tích cực lên các cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian nhóm này điều chỉnh giảm.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) Ngân hàng VPBank do ông Ngô Chí Dũng làm chủ tịch đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 1,33 tỷ cổ phiếu. Ngân hàng này có vốn điều lệ 14.059 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng này đang được giao dịch trên thị trường tự do ở mức khoảng 35.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ồ ạt lên sàn. |
Nếu suôn sẻ, VPBank có thể sẽ trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán với vốn hóa hơn 2 tỷ USD, chỉ kém 3 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, trong khi cao hơn hẳn so với MBBank (khoảng 1,5 tỷ USD), Sacombank, ACB, Eximbank…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, VN-index tăng 3,81 điểm (+0,5%) lên 771,3 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,21%) lên 98,81 điểm và UPCOM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (0,02%) lên 56,3 điểm. Thanh khoản toàn thị trường được cải thiện đáng kể với hơn 300 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5 ngàn tỷ đồng. Chỉ số tầm rộng VN-Index tăng điểm bất chấp chỉ số đo lường 30 cổ phiếu chủ chốt trên sàn chứng khoán VN30 giảm. Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips nằm ngoài nhóm VN30 tăng điểm và 3 cổ phiếu trụ cột Sabeco, Vinamilk, GAS tăng giúp chỉ số chung của thị trường tăng. Giao dịch trên thị trường khá tích cực. Lực bắt đáy khá mạnh sau 3 phiên thị trường giảm. Các cổ phiếu chứng khoán thu hút sự quan tâm của giới đầu tư với những mã nổi bật như VND, HCM, CTS. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực chốt lời khá mạnh. VCB, MBB và STB đều giảm. EIB của Eximbank bất ngờ giảm sàn. |
Trước đó, Ngân hàng VIB do ông Đặng Khắc Vỹ làm chủ tịch cũng đã đưa 564 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá hiện đã lên trên 21.000 đồng/cp. Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết vẫn sẽ theo kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2018, cũng có thể sớm hơn sau khi xin ý kiến cổ đông.
Hiện tại, trong tổng số 34 ngân hàng thương mại chỉ có 11 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua do giới đầu tư kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng cao, tái cơ cấu đã có kết quả và những chính sách mới về thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Sự tăng tốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã góp phần lớn vào sự sôi động và tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong nửa đầu 2017, có lúc VN-Index đã lên gần tới ngưỡng 800 điểm - cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua.
Trong khi đó, ABBank vẫn còn khá kín tiếng. Theo kế hoạch, ABBank sẽ hoàn tất đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và giao dịch trên hệ thống UPCoM trong năm 2017.
Ngân hàng này vẫn thuộc chi phối của nhà chủ tịch Vũ Văn Tiền. Thông tin trên báo cáo tình hình quản trị nửa đầu 2017 cho thấy, bà Vũ Thị Hương - em gái của ông Vũ Văn Tiền vừa bán ra toàn bộ hơn 8,5 triệu cổ phiếu (1,6% vốn ngân hàng).
Hiện tại ông Tiền và những người liên quan đang nắm giữ tổng cộng gần 90 triệu cổ phần (khoảng 15,5%). Trong đó, Tập đoàn Geleximco nắm giữ hơn 69 triệu cổ phần. Bên cạnh đó, các công ty liên kết là Chứng khoán An Bình và Đầu tư An Bình cũng nắm giữ tổng cộng 6,3 triệu cổ phần.
Một thông tin khác cũng tác động tới thị trường là xu hướng thâu tóm sáp nhập quy về một mối của một số nhóm ngành để tăng tính cạnh tranh, trong đó có mía đường nhà ông Đặng Văn Thành.
Hai doanh nghiệp mía đường nhà ông Đặng Văn Thành sắp sáp nhập. |
Hai doanh nghiệp mía đường nhà ông Đặng Văn Thành (SBT và BHS) vừa công bố tỷ lệ sáp nhập với chênh lệch khá cao so với tỷ lệ thị giá thực tế của 2 cổ phiếu trên sàn. Theo đó, 1,02 cổ phiếu BHS với mức giá 24.100 đồng hiện tại sẽ đổi được 1 cổ phiếu SBT 38.800 đồng/cổ phiếu.
Với tỷ lệ này, nếu thuận buồm xuôi gió và mức giá được giữ nguyên như SBT hiện tại, thì doanh nghiệp mới của ông Đặng Văn Thành sẽ có quy mô gần tỷ USD. Sau cú sáp nhập, doanh nghiệp mới sẽ chiếm khoảng 30% thị phần Việt Nam và có thể cạnh tranh được với đường Thái Lan.
Về thị trường chung, hầu hết các cổ phiếu blue-chips lớn trong nhó VN30 vẫn chịu áp lực giảm giá sau một thời gian dài. Tuy nhiên, một số cổ phiếu blue-chips nằm ngoài nhóm này vẫn có sức tăng khá bền vững.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đuối sức. Nhóm cổ phiếu bia tăng mạnh sau thông tin thoái vốn và Sabeco (SAB) được vào rô VN30.
Một số công ty chứng khoán như BVSC, IVS, BSI, MSI cho rằng dù lực cầu bắt đáy đã tăng lên nhưng tín hiệu đảo chiều thực sự chưa xuất hiện, rủi ro vẫn còn. Nhịp điều chỉnh có thể khiến VN-Index chạm đến ngưỡng 740-750 điểm.
H. Tú