Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, thời gian qua, nhiều bệnh nhân than thở vì bị nhiệt miệng. Nhiệt miệng lành tính và có thể tự lành sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, bệnh gây cảm giác đau rát khó chịu nhất là khi ăn.

Bạn có thể tự xử lý nhiệt miệng bằng các sản phẩm trong nhà mình. Một số thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, chống viêm, tốt trong việc chữa lành vết thương, có thể giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả như mật ong, dầu dừa, nước đậu đen rang.

Bôi mật ong
 
Bác sĩ Vũ cho biết theo y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc; có công năng bổ dưỡng tỳ vị, tăng sinh lực, dưỡng huyết, nhuận phế, nhuận tràng, trị các chứng ho mãn tính, ho ra máu, thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa vi khuẩn. Mật ong còn có tác dụng làm đẹp, chữa lành vết thương, giải độc cơ thể và trị nhiệt miệng. 

Mật ong có chứa hydroperoxide tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm giúp thúc đẩy mau lành vết thương. Nguồn vi chất dinh dưỡng dồi dào trong mật ong như kẽm, sắt, kali còn giúp tăng sức đề kháng và ngăn cho nhiệt miệng tái phát. 

Trị nhiệt miệng bằng mật ong, đơn giản lại dễ làm. 

Theo bác sĩ Vũ, sử dụng mật ong trị nhiệt miệng có thể làm bằng nhiều cách khác nhau. Người dân hay sử dụng bôi trực tiếp mật ong vào vùng nhiệt miệng. Sau khi vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước chuyên dụng bạn lấy tăm bông chấm vào mật ong và thấm nhẹ nhiều lần trực tiếp lên vết loét giúp thẩm thấu sâu vào vết thương. Bạn giữ nguyên mật ong trong khoảng 5 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm. Thực hiện 2-3 lần/ngày và duy trì trong 10 ngày liên tục. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể ngậm mật ong trong khoảng một phút và đảo đều nhiều lần xung quanh vết thương thay cho nước súc miệng rồi súc miệng lại bằng nước ấm để làm sạch phần khoang miệng và lợi. Thực hiện liên tục 3-5 ngày sẽ giảm tình trạng nhiệt miệng.

Bác sĩ Vũ cũng lưu ý các trường hợp không nên dùng mật ong: Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ mang thai, người huyết áp thấp hoặc đường máu thấp, xơ gan, tiểu đường, rối loạn chức năng tiêu hóa, người mới phẫu thuật, có tiền sử dị ứng với một số thành phần của mật ong.

Sử dụng dầu dừa

Bác sĩ Vũ cho biết dầu dừa là nguyên liệu dễ tìm. Dầu dừa được dùng trong làm đẹp như tẩy trang, dưỡng da toàn thân, chống rạn da, hạn chế nếp nhăn, tẩy tế bào chết, mượt tóc. Dầu dừa có khả năng kháng khuẩn tốt, giúp vết loét nhiệt miệng giảm sưng đau nhanh chóng. Trong thành phần dầu dừa có chứa acid lauric, là chất kháng viêm tự nhiên giúp vết loét miệng bớt đỏ, giảm đau, giảm sưng và giảm sự khó chịu trong khoang miệng. 
 
Dùng dầu dừa trị nhiệt miệng ở thể nhẹ, bạn có thể dùng bôi trực tiếp vài lần mỗi ngày, sau khi vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, cho đến khi vết thương lành. Hoặc bạn dùng dầu dừa súc miệng đợi khoảng 30 giây thì nhổ ra, mỗi ngày 2-3 lần.

Bác sĩ Vũ cho biết khi bôi dầu dừa trị nhiệt miệng bạn hạn chế nuốt nước bọt. Dầu dừa tác dụng bao phủ lên vị trí nhiệt miệng. 

Ngoài ra, để giảm tình trạng nhiệt miệng bạn nên lựa chọn thêm các thực phẩm có tính mát, thanh nhiệt như chè đậu xanh, canh mướp đắng, nước ép cà chua, nước ép rau má… Nếu nhiệt miệng kéo dài kèm theo sốt bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ hỗ trợ.