- Em năm nay 18 tuổi, cha em nát rượu, thường xuyên đánh đập mẹ con em, có lần còn dùng dao dọa giết mẹ, dùng chai rượu ném về phía các con bị vỡ gây ra xây xát. Chúng em rất sợ và cũng không biết đi đâu vì quê mẹ rất xa, ở đây lại không có họ hàng thân thích, không trốn đi được. Chúng em phải làm thế nào để tránh được bố? Có cơ quan nhà nước nào bảo vệ được mẹ con em không?

{keywords}
Ảnh minh họa

Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định như sau:

"1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

Khoản 2, 3 Điều 49 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình như sau:

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.

Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn thường xuyên đánh đập mẹ con bạn, có lần còn dùng dao dọa giết mẹ, dùng chai rượu ném về phía các con bị vỡ gây ra xây xát, nếu sự việc là thường xuyên thì bố bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định nói trên.

Phát hiện báo tin bạo lực gia đình

Nếu như Bố bạn thường xuyên có những hành vi như vậy bạn có thể báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Theo Điều 18 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình

Theo thông tin bạn cung cấp mẹ bạn không có nơi ở khác thì theo Luật phòng chống bạo lực gia đình tại Điều 28. Cơ sở bảo trợ xã hội:

"Cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình."

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc