Việt Nam có trên 160.000 ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh/thành phố. Trong đó, khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ  chiếm 97%. Các tỉnh Bắc Trung Bộ,  Duyên hải nam Trung bộ có rừng ngập mặn nhưng diện tích không đáng kể, chiếm khoảng 3%.

Tại hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 21/11/2023,  đại diện Cục Lâm nghiệp đã có bài tham luận “Xây dựng phương pháp đánh giá trữ lượng các-bon rừng ngập mặn”.

Ngày 04/10/2021, Thủ tướng đã ban hành QĐ 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030”. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, Cục Lâm nghiệp đã huy động sự tham gia, hỗ trợ của các chương trình, đề án có liên quan về việc hoàn thiện phương pháp và tiến hành đo đếm, đánh giá lượng các-bon rừng ngập mặn tại 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.

16 tru luong cac bon.jpg
Việt Nam có trên 160.000 ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh/thành phố.

Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do GCF viện trợ thông qua UNDP tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng phương pháp giám sát phục hồi rừng ngập mặn cho diện tích tác động của Dự án nhưng vì một số lý do nhất định nên chỉ áp dụng tốt trong phạm vi dự án, chưa thể áp dụng trên phạm vi toàn bộ 28 tỉnh của Việt Nam.

Được sự hỗ trợ của Dự án thực hiện cam kết Khí hậu: Từ cam kết đến hành động thực hiện tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, UNDP phối hợp với TCLN (Cục Lâm nghiệp) xây dựng Phương pháp đo đếm và tính toán lượng các-bon rừng ngập mặn áp dụng thí điểm ở các tỉnh đại diện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam (Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ) để áp dụng đo đếm và tính toán đối với diện tích rừng ngập mặn hiện có tại 28 tỉnh ven biển Việt Nam.

Các phương pháp thực hiện bao gồm: Kế thừa tư liệu, xây dựng phương pháp đo đếm, xác định các-bon rừng ngập mặn, thử nghiệm đo đếm xác định trữ lượng các-bon rừng ngập mặn tại 6 tỉnh đại diện, hoàn thiện phương pháp đo đếm, xác định các-bon rừng ngập mặn, Thẩm định phương pháp đo đếm, xác định các-bon rừng ngập mặn, kết quả kế thừa tư liệu, xây dựng phương pháp đo đếm, xác định các-bon rừng ngập mặn…

Kết quả thử nghiệm đo đếm xác định trữ lượng các-bon tại 6 tỉnh đại diện đã xác định lượng các bon tại ô mẫu; xác định lượng các bon trung bình theo loài cây, trạng thái rừng; Kết hợp bản đồ hiện trạng rừng với số liệu lượng các bon trung bình theo loài cây, trạng thái rừng để xác định lượng các bon theo đơn vị hành chính.

Trữ lượng các bon của rừng ngập mặn ở khoảng 245 tấn/ha. Trong đó: trung bình lượng các bon trong sinh khối của thực vật sống (gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất) chỉ chiếm 29%, trong khi đó lượng các bon hữu cơ trong đất dưới tán rừng ngập mặn trung bình chiếm đến 71% tổng lượng các bon rừng ngập mặn.

Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng cho biết, hoàn thiện dự thảo phương pháp bằng xác định ranh giới và trạng thái của khu vực rừng ngập mặn cần đo đếm, tính toán trữ lượng các bon; Xác định các bể các - bon cần đo đếm, tính toán trữ lượng;  Phương pháp thiết kế, thu thập số liệu trên các ô mẫu; Phương pháp xử lý số liệu xác định sinh khối, lượng các bon tại vị trí ô mẫu; Phương pháp xác định sinh khối, lượng các bon bình quân trên ha theo trạng thái rừng; Phương pháp xác định sinh khối, lượng các bon theo đơn vị hành chính, đơn vị quản lý rừng; Phương pháp xác định biến động sinh khối, lượng các bon...

Công việc tiếp theo cần hoàn thiện là tiếp thu các ý kiến của quý vị trong hội thảo để hoàn thiện phương pháp; Trình hội đồng của Cục Lâm nghiệp thẩm định và đưa phương pháp vào xác định, theo dõi biến động sinh khối/các bon rừng ngập mặn tại 28 tỉnh ven biển.

Như Sỹ và nhóm PV, BTV