Xung quanh câu chuyện đội tuyển U23 nhận thưởng kỷ lục, một số thông tin cho rằng các cầu thủ sẽ không phải đóng thuế, một số ý kiến lại khẳng định mức thuế đóng có thể lên tới 35%. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đại Trí - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Thành công tại giải U23 châu Á giúp tuyển U23 Việt Nam đón “cơn mưa” tiền thưởng, hiện vật và dịch vụ. Theo thông tin từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, số tiền thưởng cho đội tuyển đến lúc này sắp chạm mốc 24 tỷ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Olympic quốc gia tặng thưởng 3,2 tỷ đồng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam trao 3,6 tỷ đồng và Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) thưởng 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó là hàng chục cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân đã hứa hoặc đã trao tiền thưởng.
Ngay sau đó, xuất hiện một số thông tin cho rằng các cầu thủ khi nhận thưởng có khả năng phải đóng thuế thu nhập cá nhân với mức cao lên tới 35%. Một số ý kiến lại cho rằng chỉ dừng ở mức 10%, có ý kiến lại cho rằng không phải đóng.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Trí - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Theo đó, vị này khẳng định việc đưa ra con số tiền thưởng lớn như vậy rồi khẳng định sẽ chịu mức 10%, 35% hay không phải chịu đồng nào hoàn toàn chưa chính xác.
Ông Trí khẳng định, việc phải nộp thuế hay không phải căn cứ vào bản chất khoản thu nhập đó là gì, có thuộc thu nhập phải chịu thuế hay không, không thể nói chung chung là “tiền thưởng” .
“Các cầu thủ chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập phải chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân”, ông Trí nói.
Ông Nguyễn Đại Trí giải thích, theo quy định hiện hành thì chỉ các khoản tiền thưởng (bằng tiền hoặc hiện vật) nằm trong nhóm thu nhập từ tiền lương, tiền công (là thu nhập của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động) sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Còn các khoản tiền thưởng sau không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân: Tiền thưởng được nhà nước phong tặng, tiền thưởng theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo pháp luật về thi đua; tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận; tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh được cơ quan nhà nước công nhận; Tiền thưởng về phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy các cầu thủ nhận được các khoản thưởng như nêu trên sẽ không phải nộp thuế. Ông Trí lấy ví dụ: Huấn luyện viên Park Hang Seo và cầu thủ Nguyễn Quang Hải, Thủ môn Bùi Tiến Dũng nhận tiền thưởng kèm Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước, hoặc nhận tiền thưởng từ giải bóng đá U23 Châu Á vừa qua từ Liên đoàn bóng đá Châu Á sẽ không phải nộp thuế.
Còn đối với tiền thưởng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc các tổ chức, doanh nghiệp khác thưởng, tặng cho mỗi cầu thủ mà báo chí đưa tin thì cần xem xét căn cứ các tổ chức này thưởng, tặng; mục đích của việc thưởng, tặng này để xác định là khoản thưởng có tính chất tiền lương tiền công hay thưởng theo các danh hiệu được nhà nước trao tặng, hoặc thưởng theo Luật thi đua khen thưởng.
Ngoài ra, theo ông Trí, trong trường hợp số tiền thưởng dành cho tập thể và không được chia cho cá nhân mà được dùng vào mục đích chung thì cũng sẽ không phải tính vào thuế thu nhập của cá nhân, ví dụ khoản thưởng kèm theo Huân chương lao động hạng nhất của Chủ tịch nước tặng cho U23 Việt nam .
Trả lời câu hỏi đối với các khoản quà tặng là hiện vật thì có phải chịu thuế không, ông Trí nói: Nếu quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các doanh nghiệp, bất động sản và tài sản phải đăng ký sở hữu, đăng ký sử dụng với cơ quan nhà nước mà phần quà tặng này vượt trên 10 triệu đồng/lần thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ quà tặng. Mức thuế suất đối với khoản này là 10% đối với phần thu nhập vượt trên 10 tiệu đồng/lần. Luật thuế Thuế thu nhập cá nhân không quy định quà tặng bằng tiền thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Ông Trí lấy ví dụ như việc doanh nghiệp tặng ô tô – loại tài sản phải đăng ký sở hữu, đăng ký sử dụng thì cũng phải chịu thuế như bình thường theo quy định. Còn nếu ngoài 4 loại trên thì lại tiếp tục căn cứ để tính thuế hay không, ví dụ như các dịch vụ như đi du lịch, nghỉ dưỡng chẳng hạn sẽ không phải đóng.
“Nói chung, việc nộp thuế sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, nếu cần thiết sẽ có quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn và đảm bảo đúng quy định pháp luật. Mọi người hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Trí khẳng định.
Khi nào phải đóng thuế TNCN tới mức 35%? Về nguyên tắc, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân là “Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công”. Như vậy, đối với các khoản tiền thưởng hoặc quà tặng hoặc một lợi ích nào đó mà cầu thủ nhận được có tính chất tiền lương, tiền công trừ các khoản được trừ không tính thuế (như sẽ nêu ở gạch đầu dòng dưới đây) thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Đối với các khoản tiền thưởng, quà tặng cho tập thể đội bóng để sử dụng chung không chia cho cá nhân thì không phải tính vào TNCT của cá nhân. Cách tính và nộp thuế: + Đối với các khoản thưởng, quà tặng có tính chất tiền lương do người sử dụng lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên: Tổ chức chi trả khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất từ 5% đến 35%) sau khi giảm trừ gia cảnh, giảm trừ bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. + Đối với các khoản tiền thưởng, quà tặng, thù lao có tính chất tiền lương không ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động dưới 3 tháng mà có số tiền chi trả từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì người chi trả phải khấu trừ theo tỷ lệ 10% trước khi chi thưởng hoặc tặng. + Cá nhân cầu thủ tổng hợp toàn bộ thu nhập của năm (kể cả thu nhập từ câu lạc bộ, từ VFF...), sau khi tính các khoản giảm trừ thì tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất từ 5% đến 35%) để xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp chính thức trong năm. PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính |
(Theo Dân trí)