Hai yếu tố cơ bản nhất được lấy làm cơ sở để đề nghị đánh thuế TTĐB đối với ĐTDĐ là: Thứ nhất, việc đánh thuế TTĐB lên ĐTDĐ nhằm điều tiết thu nhập. Thứ hai, ĐTDĐ không phải là loại mặt hàng “rất thiết yếu”.
Yếu tố thứ nhất đánh thuế TTĐB lên ĐTDĐ đã không ổn ngay từ lập luận. Bởi nếu để điều tiết thu nhập của cá nhân thì hiện nay đã có luật thuế thu nhập cá nhân đánh theo mức theo bậc có tính lũy tiến, những người thu nhập rất cao có thể chịu mức thuế thu nhập cá nhân lên đến 40% thu nhập.
Việt Nam hiện có trên 70% dân số sử dụng điện thoại di động |
Chính vì vậy, nếu lại đánh thuế TTĐB lên ĐTDĐ thì e rằng dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế.
Mặt khác, người tiêu dùng mua ĐTDĐ sử dụng dù loại tầm giá thấp hay cao thì họ cũng đã phải chịu điều chỉnh bởi sắc thuế tiêu dùng chính là thuế giá trị gia tăng rồi. Người dùng loại điện thoại càng đắt tiền thì phải chịu khoản tiền thuế giá trị gia tăng càng nhiều.
Yếu tố thứ hai, ĐTDĐ có thể không phải là mặt hàng “rất thiết yếu” nhưng có phải là hàng hóa “thiết yếu” hay không thì còn nhiều tranh luận.
ĐTDĐ chính thức vào thị trường Việt Nam từ năm 1994 khi nước ta ra đời mạng di động đầu tiên. Thời điểm cách nay gần 30 năm ấy, mỗi chiếc điện thoại di động tại Việt Nam giá thấp nhất cũng từ 1.000USD trở lên, chỉ có những người khá giả mới sử dụng, nhưng cũng không bị xem là hàng hóa xa xỉ phải chịu thuế TTĐB.
Giá ĐTDĐ 25 năm qua tại thị trường Việt Nam đã giảm đi hàng chục lần. Từ một loại thiết bị chỉ có người thu nhập cao, các gia đình khá giả mới sử dụng, ĐTDĐ ngày nay đã quá phổ biến.
Ước tính, Việt Nam có trên 70% dân số đã sử dụng ĐTDĐ từ loại điện thoại tính năng cơ bản (Featurephone) giá từ vài trăm ngàn đồng/chiếc đến điện thoại thông minh (Smartphone) có mức giá trên 40 triệu đồng/chiếc. Và số thuê bao di động tại Việt Nam được ước tính khoảng 1,5 thuê bao/dân số, tức khoảng từ 140-150 triệu thuê bao di động đang hoạt động.
Cho dù không phải là “rất thiết yếu”, nhưng nếu không phải là “thiết yếu” thì tại làm sao có nhiều người và tỉ lệ cao trong dân số sử dụng đến vậy?
Đã quá rõ, ngày nay, hầu hết đối với mỗi chúng ta, chỉ cần vài giờ bị mất kênh liên lạc qua ĐTDĐ với các kênh dịch vụ liên lạc cơ bản từ thoại, tin nhắn SMS đến liên lạc phi truyền thống như các ứng dụng OTT, email... thì nhiều công việc, thông tin khác bị đình trệ.
Điện thoại động động hiện đã được ứng dụng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ (ảnh: PK). |
Đối với điện thoại thông minh còn mang nhiều tiện ích hơn đến với cuộc sống con người.
Theo nghiên cứu, trên 70% người dùng smartphone luôn mang theo điện thoại bên mình để tiện cho việc liên lạc, gửi và trả lời email, nhắn tin, lướt web xem thông tin hay giải trí, truy cập các ứng dụng để sử dụng các loại dịch vụ, điều khiển từ xa các thiết bị gia đình, nhận các thông tin cảnh báo về thiên tai và thời tiết, mua hàng, đặt vé...
25 năm trước ĐTDĐ không phải là hàng hóa thiết yếu nhưng cũng không bị xem là hàng xa xỉ. Sau 25 năm, với sự phát triển các tính năng sử dụng giúp ích cho cuộc sống, công việc, học tập của con người, ĐTDĐ trên thực tế đã trở thành thiết bị thiết yếu đối với mỗi người dùng dù về hành lang pháp lí chưa xếp nó vào loại hàng hóa thiết yếu.
Vậy thì càng không thể xem ĐTDĐ là hàng hóa xa xỉ để bị chịu sắc thuế TTĐB!
Theo LĐ
Đây mới là 'miền đất hứa' mới của smartphone?
Một thống kê cho thấy mỗi tháng có 350.000 thiết bị được bán ra và kích hoạt trên khắp Iraq. Đây là cơ hội lớn cho các hãng di động mở rộng thị trường.