- Dạy vợ là giúp cô ấy hòa hợp với gia đình chồng, giúp cô ấy hiểu cha mẹ chồng, giúp cô ấy thu xếp mọi việc bên nhà chồng cho ôn hòa chứ không phải kiểu dạy như anh là dập mọi suy nghĩ của vợ.

Đọc bài viết của anh Phạm Kiên mà thấy thấu hiểu ra nhiều lẽ.

“Có con phải khổ vì con/ Lấy chồng gánh cả giang san nhà chồng”, anh nói rất đúng nhưng anh đã bao giờ nghĩ đến câu đầu tiên trong câu ca dao kia chưa. Mẹ anh đã bao giờ khổ vì anh chưa? Vậy anh có thấu hiểu nỗi khổ của những bậc cha mẹ có con mà như vứt đi như anh nói không? Thời nay con gái hay con trai đều như nhau cả anh ạ, hay tư tưởng anh còn quá phong kiến, lạc hậu, hay anh quá gia trưởng?

Nói thật nhé, gia đình chồng tôi là người Huế chính gốc, mẹ chồng và cha chồng rất cổ hủ và chồng tôi là con trai trưởng cũng rất là gia trưởng, chắc anh cũng thừa biết một cô gái miền Tây rặt mà gia đình chồng gốc Huế thì thế nào rồi nhé.

Chồng tôi tuy rất gia trưởng như chưa bao giờ anh nghĩ tôi phải “gánh cả giang san nhà chồng”, ba mẹ chồng tôi rất khó nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ hay bắt buộc tôi phải phục tùng cơm nước, hầu hạ từng ly trà, hay phải ở nhà lo lắng gia đình, con cái. Ông bà vẫn còn rất phong kiến, đi nhẹ nói khẽ nhưng ông bà cũng hiểu rằng xã hội thời nay nam nữ bình quyền, gái hay trai gì cũng lăn xả ra xã hội để làm việc. Vì ông bà hiểu rằng phải có đi làm thì mới có ăn.

Ngày xưa, ông bà, cha mẹ chúng ta sanh con đông (mười mấy đứa con cũng có) nhưng những người mẹ ngày xưa vẫn phục tùng cơm nước cho chồng, con, cho gia đình chồng đông cả chục người vì sao anh biết không? Vì những người phụ nữ ngày xưa ấy chưa được tiếp xúc với bên ngoài xã hội, họ không được đi học nên chỉ quanh quẩn trong nhà, trên đồng ruộng cùng chồng lo lắng cho gia đình, họ buộc phải làm những việc như anh nói vì ngoài việc đồng áng, gia đình họ không còn việc gì để làm nữa.

{keywords}

Sao anh không nghĩ thay vì sau một ngày làm việc về nhà, anh cùng vợ, cơm nước, dọn dẹp, rửa chén, phụ vợ lo con cái hơn là ngồi xét nét vợ có phục tùng nhà chồng đúng mực như phụ nữ thời phong kiến chưa. Ảnh minh họa.

Còn ngày nay, vợ anh có học thức, đa phần phụ nữ đều được ra xã hội để làm việc tiến thân. Họ phải đi làm ngày 8 tiếng, nhưng 8 tiếng đó họ ngồi suốt trên máy tính, trên bàn làm việc hay chạy lăng xăng trong công ty (chứ đâu phải ngồi tám như anh nói, có công ty nào tuyển nhân viên vào để ngồi tám đâu) rồi về nhà nào con cái, nào cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Dĩ nhiên công việc của họ nhiều hơn chứ, họ không những mệt mỏi xác thân sau một ngày làm việc mà còn nặng nề đầu óc với mớ sổ sách ở cơ quan. Hay anh không muốn cho vợ mình nghỉ ngơi? (Mà mệt mỏi thể xác còn dễ chịu hơn cả tinh thần đầu óc đấy anh ạ).

Sao anh không nghĩ thay vì sau một ngày làm việc về nhà, anh cùng vợ, cơm nước, dọn dẹp, rửa chén, phụ vợ lo con cái hay những việc linh tinh hơn là anh ngồi đọc báo, xem tivi, xét nét vợ có phục tùng nhà chồng đúng mực như phụ nữ thời phong kiến chưa.

Cha mẹ chồng tôi ngày xưa cũng hay trách tôi sao không lo gì cho gia đình cả, nhưng bây giờ thì ông bà hiểu công việc ở công ty và việc nhà gánh lên đôi vai của một mình tôi là không thể tất cả là nhờ chồng tôi đấy. Ông bà giúp đỡ tôi rất nhiều trong những việc lặt vặt không đáng chi nhưng những việc lặt vặt này lại làm nên hòn núi nặng trên vai tôi và tôi thầm cảm ơn cha mẹ chồng tôi cũng như chồng tôi rất nhiều

Chồng tôi tuy gia trưởng, cũng bắt tôi phải lo cho ba mạ nhưng chồng tôi hiểu ngoài việc ở cơ quan tôi phải lo trăm công ngàn việc nhà nữa. Anh là đàn ông nên anh không hiểu được, đôi khi anh không thấy được việc nhà. Có thể anh sẽ nói việc nhà có bao nhiêu đâu, có gì nặng nề lắm đâu, hay có thấy việc gì đâu. Đàn ông là thế đó, anh thử hỏi mẹ anh xem việc nhà có nhiều không? Ngày xưa tôi cũng hỏi mẹ tôi như thế và mẹ tôi trả lời rằng việc nhà thì không bao giờ kể hết. Đúng vậy, chỉ những việc nhỏ nhặt, như sách báo đọc xong vứt bừa bãi, áo quần chưa xếp, vứt lu bù trong phòng, ngủ dậy mền gối quăng tứ tung, chén bát chưa ai rửa… những việc nhỏ này anh có thể giúp vợ anh chỉ cần anh chung tay thì vợ anh có thể hòan thành trách nhiệm một người vợ ngoan, một con dâu hiền và người mẹ mẫu mực.

Anh thử nghĩ xem, 6h chiều vợ anh đi làm về, phải chạy đi chợ, về lo cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ… lăng xăng đủ thứ việc vặt thì thời gian đâu lo cho cha mẹ anh, cho con cái anh học hành… nói gì lo cho bản thân rồi cho anh nữa.

Anh có bao giờ nghĩ cho vợ mình chưa, anh cưới chị ấy về để yêu thương, cho anh những đứa con ngoan hiền xinh đẹp hay anh cưới chị về chỉ để làm osin không công? Nói thì hơi quá nhưng thật sự mà nói đọc bài viết của anh tôi nghĩ ngay đến việc này.

Anh nói “vợ hư cũng do chồng không biết dạy” vậy anh đã bao giờ làm cầu nối cho vợ với gia đình mình, với cha mẹ anh?

Người xưa có câu "Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, lúc trước khi cưới cô ấy về anh đã nói với cô ấy về gia đình mình chưa, anh có bảo với cô ấy rằng về nhà anh em phải làm thế này thế kia không? Anh có hiểu từ dạy vợ không? Dạy vợ là giúp cô ấy hòa hợp với gia đình chồng, giúp cô ấy hiểu cha mẹ chồng, giúp cô ấy thu xếp mọi việc bên nhà chồng cho ôn hòa chứ không phải kiểu dạy như anh là dập mọi suy nghĩ của vợ.

Tóm lại, tư tưởng của anh còn tệ hơn cả ông già bà cụ ngày xưa luôn đó. Anh không biết “dạy vợ” cho đúng thì đừng trách vợ mình hay gom đũa cả nắm. Không phải ai cũng như anh nghĩ đâu. Vợ anh có thế nào hay cha mẹ anh đối xử với vợ anh ra sao là do anh tất cả, anh đã không rõ ràng ngay từ đầu, anh đã không cùng vợ chia sẻ thì đừng gom tất cả phụ nữ chúng tôi vào cùng một mớ như thế.

Ngay cả chồng tôi, khi tôi đưa bài viết của anh cho anh ấy xem, vì tôi cũng muốn biết thật sự đàn ông bây giờ nghĩ vợ mình thế nào thì chồng tôi chỉ lắc đầu và nói rằng anh là người đàn ông quá tệ và người ích kỷ chính là anh chứ không phải vợ anh.

Mong là anh biết thu vén cùng vợ anh xây đắp một gia đình bình đẳng.

Độc giả Nguyen Nguyet Hieu (n_hieu...@yahoo.com)