Không nhàm chán và buồn tẻ như suy nghĩ của nhiều người, thư viện mang trên mình một vẻ đẹp riêng, đầy lôi cuốn, hấp dẫn. Chưa dừng lại ở đó, khắp nơi trên thế giới, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây, hàng loạt thư viện có phong cách kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, gây choáng ngợp cho người xem. Dưới đây là những thư viện đẹp nhất thế giới theo lựa chọn của CNTraveler.
Thư viện Tu viện Admont, Áo
Kiệt tác cuối thời kỳ Baroque - được hoàn thành vào khoảng năm 1776 và được xem là thư viện tu viện lớn nhất thế giới - trông giống như một công trình trong truyện cổ tích.
Với ánh sáng tự nhiên dồi dào, lối trang trí cầu kỳ, những bức bích họa trên trần nhà được sơn màu hồng, xanh lam và vàng, thư viện Tu viện Admont cuốn hút người tham quan bằng vẻ đẹp lộng lẫy, hoành tráng.
Mô phỏng thiết kế gáy sách, thư viện có các "cánh cửa bí mật" giúp gắn kết không gian, tạo cảm giác những kệ sách được đặt liên tiếp nhau.
Thư viện Đại học Nghệ thuật Tama, Tokyo
Hoàn thành vào năm 2007, thư viện Đại học Nghệ thuật Tama ở Tokyo có thiết kế hiện đại - mái vòm bê tông, tường kính, nội thất tối giản và các dãy máy tính ngăn nắp - nhưng vẫn mang dáng dấp cổ điển.
Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư Toyo Ito, một trong những tên tuổi lớn của ngành kiến trúc đương đại. Ông là người yêu thích các thử nghiệm táo bạo, vượt qua khuôn khổ quen thuộc.
Có lẽ bộ sưu tập 100.000 cuốn sách hoặc do cấu trúc mềm mại hình vòm mang lại dáng dấp cổ điển cho nơi này. Khi các đường cong chồng lên nhau, chúng tạo ra cảm giác 3 chiều cuốn hút. Thiết kế gợi nhớ đến những không gian hình vòm của hầm rượu hoặc thư viện cổ.
Thư viện George Peabody, Baltimore
Được xem là một trong những thư viện đẹp nhất ở Mỹ, thư viện George Peabody (thuộc Đại học Johns Hopkins) chứa hơn 300.000 cuốn sách được xếp thành 5 tầng.
Chắc chắn kho sách đồ sộ này sẽ rất ấn tượng mạnh đối với độc giả, nhưng mái vòm phong cách nhà thờ, sàn lát đá cẩm thạch và các chi tiết trang trí bằng sắt mới là điểm thu hút chính ở đây.
Với vẻ đẹp độc đáo vốn có, thư viện George Peabody trở thành một trong những địa điểm tổ chức đám cưới nổi tiếng nhất ở Baltimore.
Thư viện Tân Hải, Trung Quốc
Những bức ảnh về thiết kế tương lai của tòa nhà thư viện Tân Hải lan truyền rộng rãi khi mở cửa vào năm 2017. Thời điểm đó, địa điểm này đón hơn 10.000 lượt khách mỗi ngày và trở thành nơi thu hút khách du lịch hàng đầu của thành phố Thiên Tân.
Được thiết kế bởi công ty MVRDV của Hà Lan, thư viện có một quả cầu khổng lồ phát sáng (được gọi là 'Con mắt') ở giữa khán phòng, những mái vòm mang phong cách nhà thờ và dãy giá sách tạo thành những đường song song ấn tượng.
Điểm thú vị là ở những giá cao nhất, độc giả không thể tiếp cận, không chứa bất kỳ quyển sách nào. Thay vào đó là những tấm nhôm in hình ảnh cuốn sách. Cách bố trí này góp phần tạo thêm cảm giác đồ sộ cho bộ sưu tập.
Thư viện El Escorial, Tây Ban Nha
Thư viện này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một phần của Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Được xây dựng theo yêu cầu của vua Philip II vào thế kỷ 16, điểm nổi bật nhất của thư viện là 7 bức bích họa mô tả nghệ thuật tự do (âm nhạc, hùng biện, thiên văn học...).
Thư viện El Escorial tọa lạc tại thị trấn San Lorenzo de El Escorial, cách Madrid khoảng 45 phút, từ lâu đã là địa điểm yêu thích của hoàng gia Tây Ban Nha. Ngoài thư viện cổ kính, nơi đây có rất nhiều điều thú vị khác để khám phá, bao gồm tu viện, khu vườn, đền thờ cựu hoàng tử và các vị vua.
Thư viện Bodleian, Oxford, Anh
Khi có dịp ghé qua London (Anh), du khách nên dành thời gian để thực hiện một chuyến đi trong ngày tới Oxford - cụ thể là thư viện Bodleian. Thư viện được sử dụng từ những năm 1300 với khoảng 12 triệu đầu sách in tại đây. Địa điểm thu hút các nhà nghiên cứu và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh những cuốn sách xứng đáng được đưa vào viện bảo tàng như ấn bản đầu tiên của Emma (Jane Austen) và Nguồn gốc của muôn loài (Charles Darwin), nhiều tòa nhà của thư viện vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính từ hàng trăm năm trước.
Thư viện Alexandrina, Ai Cập
Alexandria từng là nơi có thư viện nổi tiếng nhất thế giới. Giờ đây, Ai Cập bày tỏ lòng tôn kính đối với di sản thư viện của mình bằng tòa nhà đá granit bóng loáng này.
Thư viện Alexandrina có cấu trúc hình tròn do công ty Snøhetta của Na Uy thiết kế, được bao phủ bởi những tác phẩm chạm khắc do các nghệ sĩ địa phương thực hiện và nằm cạnh một hồ bơi lớn.
Bên cạnh rất nhiều sách bằng 3 thứ tiếng (tiếng Ả Rập, tiếng Pháp và tiếng Anh), thư viện Alexandrina cũng có bảo tàng, cung thiên văn và phòng thí nghiệm chuyên phục hồi và bảo quản các bản thảo cổ.
Thư viện Tu viện Strahov, Praha
Tu viện Strahov ở Praha được thành lập vào năm 1143. Bất chấp chiến tranh, hỏa hoạn và các thảm họa khác, tu viện vẫn tồn tại và xây dựng thư viện vào khoảng năm 1679. Thư viện được chia thành 2 hội trường, ngày nay được gọi là Phòng Thần học và Phòng Triết học.
Phòng Thần học được kiến trúc sư Jan Dominique Orsi tạo ra trong khoảng thời gian từ 1671 đến 1679; nghệ sĩ Siard Nosecký đã trang trí hội trường bằng những bức bích họa lấy cảm hứng từ câu trích dẫn trong Kinh thánh và triết học. Hơn 18.000 cuốn sách được lưu giữ trong Phòng Thần học với nội dung trùng với tên gọi nơi này.
Được xây dựng bởi kiến trúc sư người Ý Jan Ignácio Palliardi vào cuối thế kỷ 18, Phòng Triết học có những bức tranh hoành tráng trên trần nhà. Nơi này chứa hơn 42.000 cuốn sách, bao gồm nhiều loại sách quý hiếm, như món quà của Maria Luisa, vợ Napoléon Bonaparte.