Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế - xã hội…

UBND tỉnh Bình Thuận đã và đang hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách hỗ trợ của Chương trình trên địa bàn tỉnh. Giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong và ngoài nước

Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai Chương trình các cấp, các sở, ngành liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo.

Tích cực triển khai các chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số do Ủy ban Dân tộc biên soạn và triển khai thực hiện.

Phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi số một số hoạt động của Chương trình có khả năng phát huy hiệu quả, tính lan tỏa cao được các tổ chức, cá nhân quan tâm.

anh-man-hinh-2024-01-02-luc-002215-1.png
Đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện xây dựng thí điểm một số mô hình chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức, tổng hợp Chương trình tại 1 huyện, 1 xã và 1 ngành của tỉnh. Từ đó, tạo cơ sở để nhân rộng mô hình và căn cứ triển khai cho giai đoạn tiếp theo.

Đầu tư nâng cấp hoặc thuê dịch vụ hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin tại cơ quan quản lý chương trình để thực hiện các nhiệm vụ, phục vụ chuyển đổi số trong quản lý chương trình; đào tạo, vận hành, bảo trì, quản trị, hướng dẫn, xử lý khắc phục sự cố trong quá trình sử dụng. Xây dựng cơ chế, chính sách về bảo mật, an toàn an ninh mạng; thuê hoặc mua thiết bị, giải pháp, dịch vụ vận hành đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số, kết nối mạng internet đến cấp xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó là huy động các nguồn lực, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế, người dân thực hiện chuyển đổi số.

Xuân Long và nhóm PV, BTV