Sáng 30/10, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo và Quản trị rủi ro trong Ứng dụng blockchain” nhằm thúc đẩy việc ứng dụng và đào tạo Blockchain tại Việt Nam. 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo (VIIE) 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc (Hà Nội).

Việt Nam cần thúc đẩy đào tạo nhân lực Blockchain

Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia trên thế giới về đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Để đạt được kết quả đó, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc phát triển các công nghệ hiện đại. Trong đó, công nghệ Blockchain cùng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Big Data, giữ vị trí đứng đầu trong danh mục cần ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Ông Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, ngành công nghiệp Blockchain có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 87%. Quy mô thị trường của ngành công nghiệp này tăng gần gấp đôi sau mỗi năm và đã được duy trì liên tục trong suốt một thập kỷ. 

W-blockchain-nic-3-1.jpg
Hiệp hội Blockchain Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với các đối tác về thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo. 

Báo cáo của Boston Consultant Group cho thấy, tổng tài sản mã hóa sẽ đạt mốc 16.000 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 10% tổng GDP của tất cả các quốc gia toàn cầu. Nếu coi đây là một nền kinh tế, nó có thể đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và tương đương quy mô của nhiều cường quốc khác như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Pháp cộng lại.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, khả năng ứng dụng của Blockchain vào các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ sẵn có hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới vô cùng linh hoạt, giá trị cao, vượt trội hơn hẳn so với các công nghệ khác từ trước tới nay.

Tuy nhiên, do sự mới mẻ về công nghệ, vẫn còn có những hạn chế trong việc thúc đẩy ứng dụng Blockchain. Do vậy, ông Hoàng Văn Huây cho rằng, để Blockchain trở thành một công nghệ trụ cột đột phá, góp phần phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cần nhanh chóng phổ cập kiến thức và ứng dụng Blockchain trong mọi ngành kinh tế, kỹ thuật và quản lý xã hội.

Nhiều việc cần làm để giải bài toán nhân lực Blockchain

Bình luận về câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực số cho tương lai, ông Thái Quang Nhân - nhà sáng lập Quỹ đầu tư VietCan Startup cho rằng, nếu muốn đào tạo nhân lực đổi mới sáng tạo, các cơ sở giáo dục phải đổi mới từ tư duy đào tạo. 

Cách thức đào tạo cũ tập trung vào kiến thức, quy trình. Điều này không phù hợp với nhân lực đổi mới sáng tạo bởi không thể xác xác định chính xác nội dung nào là tiêu chuẩn. Thay vì đào tạo theo phương thức truyền thống, nhà trường cần đưa vấn đề cụ thể của doanh nghiệp làm bài toán để cùng nhau đi tìm câu trả lời”, ông Nhân nói. 

W-blockchain-nic-1-2.jpg
Theo các chuyên gia, đào tạo nhân lực là khâu quan trọng cần làm để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ Blockchain tại Việt Nam. 

Theo TS Đỗ Ngọc Minh - Giám đốc các chương trình đào tạo ngắn hạn - Viện CNTT (Đại học quốc gia Hà Nội), việc đưa công nghệ Blockchain vào đào tạo chính quy rất quan trọng vì điều này sẽ giúp trang bị những kiến thức đúng đắn về ngành cho lực lượng lao động chính trong tương lai. 

Việc nhiều trường đại học nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ Blockchain là điều đáng mừng. Để giải bài toán nhân lực Blockchain, TS Đỗ Ngọc Minh cho rằng, song song với các hình thức đào tạo chính quy, cần có thêm những hình thức bổ trợ khác như đào tạo trực tuyến, đào tạo ngắn hạn,...

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Duy Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định, so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam sở hữu lợi thế quan trọng để phát triển công nghệ nhờ nguồn nhân lực dồi dào. 

Với mức chi phí nhân lực công nghệ ở Việt Nam rất rẻ, chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần 3 các nước khác. Chúng ta có thể nghĩ đến việc “outsource” (gia công) các sản phẩm Blockchain cho các công ty nước ngoài. Đây có thể là một trong những đầu ra cho nguồn nhân sự Blockchain nếu chúng ta đào tạo được”, ông Hưng nói.