Theo PGS, TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Chính sách đất đai có vai trò quan trọng trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, là cầu nối kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, thu hút thương mại, đầu tư, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững.
Để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn ở Việt Nam, đảm bảo ổn định cho các dự án đầu tư tại khu kinh tế, thời hạn sử dụng đất trong khu kinh tế được quy định phù hợp với dự án đầu tư, không quá 50 năm tùy từng loại đất khác nhau. Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.
Trong những năm qua công tác quản lý đất đai có những tiến bộ đáng kể, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế là một công cụ quan trọng, góp phần sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững.
Năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114 nghìn ha, trong đó diện tích khu công nghiệp đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 90,83 nghìn ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18,83 nghìn ha so với năm 2010.
Hiện tại có 331 khu (04 khu chế xuất, 327 khu công nghiệp) đã đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập; tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu đã đi vào hoạt động khoảng 75% (riêng khu chế xuất Linh Trung III thuộc tỉnh Tây Ninh và khu chế xuất Linh Trung II, khu chế xuất Linh Trung thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đều có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, còn khu chế xuất Tân Thuận có tỷ lệ lấp đầy đạt 81%).
Các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước thu hút được khoảng 820 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD; thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%. Đồng thời đã thu hút được 650 dự án đầu tư trong nước (DDI) đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 92 nghìn tỷ đồng; thu hút được 9.331 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 2.061 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%. Có 05 dự án quy mô vốn đầu tư lớn (từ 250 triệu USD trở lên) được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 2,89 tỷ USD.
Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD (tăng hơn 8%); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 11% so với năm 2018); nộp ngân sách nhà nước gần 130 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018); tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.
Công tác quản lý môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng quan tâm và có nhiều cải thiện đáng kể. Đến nay trong số 256 khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chiếm 87% số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Đơn cử như quy hoạch khu công nghiệp chưa đảm bảo tiếp cận cảnh quan, hệ sinh thái, dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công cộng vườn hoa, cây xanh, mặt nước, khoảng không, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hài hòa và bền vững.
Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, tương đối thấp, bên cạnh đó tình trạng dự án chậm triển khai, xin giao đất, cho thuê đất vượt quá nhu cầu còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Một số khu công nghiệp triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất sử dụng cho dự án chưa được khai thác. Việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý và tiết kiệm. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số khu công nghiệp còn khó khăn, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất khu công nghiệp.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cả nước hiện mới có một khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là chuyên biệt. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ do quy mô nhỏ nên khó vào được các khu công nghiệp đòi hỏi thuê diện tích lớn.
Trong thời kỳ 2021 - 2030, việc phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước được xem là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong đó, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thuận lợi hóa thương mại, thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm nền tảng.
Việc quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo yêu cầu quản lý đồng bộ, thống nhất, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau; giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; đối tác hiệu quả giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện các cam kết quốc tế về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp; bảo đảm phát triển bền vững.
Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp một cách có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, đặc thù các vùng kinh tế - xã hội; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý khu công nghiệp nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Xây dựng các khu công nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, điển hình trong cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Đến năm 2030, hình thành hệ thống các khu công nghiệp phát triển ổn định, đồng bộ, hiện đại, hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội; tập trung đầu tư phát triển có chọn lọc một số khu công nghiệp hội tụ đầy đủ thế mạnh phát triển kinh tế.
Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; giải quyết việc làm cho 5 - 6 triệu lao động trực tiếp vào năm 2025 và 7 - 8 triệu lao động vào năm 2030.
Thu Ngân