Cùng với 193 nước, Việt Nam đã cam kết thực hiện Các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs) do Liên Hợp Quốc đề ra và xúc tiến. Thay thế cho Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đã hết hạn, SDGs gồm 17 mục tiêu táo bạo với 169 chỉ tiêu cụ thể, thời hạn rõ ràng liên quan đến tương lai phát triển quốc tế như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu…
Với việc thống nhất 17 mục tiêu đầy tham vọng này vào năm 2030, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, vì người nghèo. Trong đó, hệ thống số liệu thống kê khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời sẽ giúp ích rất lớn trong việc đo lường, hoàn thành những mục tiêu này.
Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị thẩm định xây dựng Dự án Luật Thống kê (sửa đổi Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia), dự kiến trình Quốc hội theo quy trình rút gọn (thông qua tại một kỳ họp).
Đạt được Các Mục tiêu Phát triển bền vững nhờ “có dữ liệu tốt trong tay”. |
Tính đến ngày 30/5/2020, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin với 8 bộ, ngành.
Trong quá trình thực hiện chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nhận thấy một số hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê. Phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Thống kê sẽ chỉ sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (phụ lục kèm theo Luật Thống kê).
Còn nhớ, tại Hội nghị triển khai Luật Thống kê - Hướng tới giám sát, đánh giá thực hiện SDGs được tổ chức tại Hà Nội cách nay ít năm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê khi đó là ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, Luật Thống kê với nhiều quy định mới tiến bộ, là cơ sở pháp lý cao nhất giúp Tổng cục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của ngành, phục vụ đánh giá tình hình, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển cũng như phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước của tổ chức, người dân.
Theo ông Lâm, Luật Thống kê gồm 9 chương, 72 điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, điều này giúp tăng thêm trách nhiệm, tính khả thi cũng như chất lượng thông tin. Luật đã quy định về phạm vi, yêu cầu và giá trị của thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước và cũng đã bổ sung những nội dung cơ bản về phương án thẩm tra, chế độ báo cáo và thẩm định hệ thống chỉ tiêu, số liệu thống kê của bộ, ngành.
Lãnh đạo Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin cho biết, hệ thống chỉ tiêu quốc gia được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm quản lý, điều hành tầm vĩ mô, tính khả thi trong quá trình thực hiện và tính hội nhập, so sánh quốc tế. Từng chỉ tiêu cũng được xây dựng sát theo nguyên tắc đơn giản, có thể đo lường được, có thể tiếp cận, tương thích và kịp thời.
Từ 350 chỉ tiêu, đã giảm xuống còn 186 chỉ tiêu (trong đó giữ nguyên 165 chỉ tiêu và bổ sung 31 chỉ tiêu, chuyển 185 chỉ tiêu sang hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành) được quy định trong Luật. Với 39 chỉ tiêu trong số đó về giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững, theo ông Hưng, về cơ bản đã phản ánh được các mục tiêu này.
Còn theo đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, Luật Thống kê 2015 giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước ở các cấp, nâng cao thể chế thống kê và giúp Việt Nam đo lường được sự tiến bộ của mình cũng như trong thực hiện SDGs.
Đồng thời, Chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Việt Nam cho rằng việc thông qua SDGs đặt tham vọng mới cho các nhà hoạch định chính sách.
Do đó, để biến tham vọng này thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh thay đổi, chu kỳ mới trong phát triển kinh tế cũng như chu trình cải cách, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, cần “phải có dữ liệu tốt trong tay”.
Luật được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế sẽ tăng cường khung pháp lý, chất lượng và tính kịp thời của số liệu, giúp cải thiện nguồn thông tin trong ban hành chính sách. Qua đó, góp phần giúp Việt Nam đạt được Các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Minh Hưng