Chủ quan khi nhìn thấy mức giảm giá cao, không kiểm tra kỹ khi nhận hàng, bà Phương Chi, một khách hàng ở Hà Nội đã mua phải chiếc điện thoại giả mạo Samsung Galaxy A70 dùng IMEI của điện thoại OPPO. Chiếc điện thoại này được bán ở website "http://samsunga70.dealhot24h.com/", vốn được thiết kế bắt mắt như một trang thuơng mại điện tử uy tín.
Để tiếp cận "con mồi", kẻ lừa đảo lập hàng loạt trang Facebook, chạy quảng cáo dẫn dụ khách hàng về web, giả mạo cả vận đơn và hóa đơn của đơn vị giao hàng.
Chia sẻ với Zing.vn, chị Chi cho biết mình tình cờ bấm vào một quảng cáo khi đang sử dụng điện thoại. Quảng cáo này dẫn tới trang web có nội dung "Xả kho trưng bày hàng mẫu Galaxy A70", với mức giá giảm 49%.
Trên trang web này, người dùng cần điền tên, địa chỉ, số điện thoại và chọn màu của sản phẩm. Sau khi nhập các thông tin và bấm xác nhận, sẽ có người gọi điện chốt đơn hàng.
Sản phẩm đến tay khách hàng nhìn rất "dại", ngoài hộp ghi sản xuất tại Việt Nam nhưng lưng máy lại là sản xuất tại Brazil, phụ kiện và phần mềm đều không giống hàng xịn. Ảnh: Phương Chi. |
"Khi gọi điện xác nhận, giao dịch viên khẳng định chắc nịch là hàng chính hãng. Giao đến nơi, tôi thanh toán tiền mặt, thấy cả phiếu giao hàng của đơn vị vận chuyển ghi được mở gói hàng nhưng không được bóc seal, mở hộp sản phẩm. Do chủ quan, tôi không kiểm tra sản phẩm. Sau đó, khi mở ra mới nhận thấy hộp, máy và phần mềm đều có điểm không giống sản phẩm Samsung. Nhờ bạn kiểm tra IMEI, tôi nhận được kết quả là điện thoại Oppo F9 Pro" (chiếc điện thoại giả dùng IMEI của máy Oppo).
Qua hình ảnh được chị Chi cung cấp, có thể thấy phần hộp, thiết kế máy, phụ kiện và cả các chi tiết phần mềm đều rất "dại", sao chép chi tiết của Samsung nhưng không giống.
Giả mạo từ sàn thương mại điện tử đến đơn vị vận chuyển
Trên phiếu giao hàng có ghi rõ "hoàn tiền 7 ngày theo chính sách của Lazada và 30 ngày theo chính sách của hãng". Tuy nhiên khi liên hệ lại để trả hàng thì phía người bán từ chối, có thái độ thách thức.
Khi liên hệ với đơn vị vận chuyển trên phiếu là Ninja Van, chị Chi mới biết đây là phiếu giao hàng giả, Ninja Van không vận chuyển đơn hàng này. Trung tâm bảo hành được ghi trên phiếu là một địa chỉ tại Long Biên, Hà Nội.
Trang web có thiết kế rõ ràng, bắt mắt, yêu cầu người xem để lại thông tin để mua hàng. Ảnh: Nhật Minh. |
"Đầu tiên họ nói có sự nhầm lẫn ở đây, đồng ý hoàn trả lại tiền nhưng yêu cầu tôi chụp chứng minh nhân dân, gửi qua Zalo. Sau đó họ lại vòng vo, nói là chuyển lại tiền 1.000 đồng để xác thực tài khoản trước khi chuyển tiền lại. Khi tôi gọi điện vào số điện thoại liên hệ tôi trước đó và số của trung tâm bảo hành trên phiếu và dọa báo công an, họ nói 'thích thì làm đi'", chị Chi chia sẻ.
Hiện có nhiều trang Facebook lấy tên "voucher Shopee" hay "mã giảm giá Lazada" được lập nên để chia sẻ đường dẫn về trang web bán điện thoại giảm giá nói trên. Các fan page đều mới được lập từ cuối tháng 7, có ảnh bìa và chia sẻ các chương trình khuyến mãi của các trang thương mại điện tử.
"Do tôi nhiều lần mua hàng trên Shopee rồi, nên lần này mới chủ quan như vậy", chị Chi cho biết.
Nhiều trang Facebook được tạo ra để quảng cáo và dẫn link đến trang web lừa đảo. Ảnh: Nhật Minh. |
Trang web nói trên có thiết kế thoáng, đầy đủ các phần từ giới thiệu điện thoại, tính năng, thông số, ảnh chụp... nên có thể tạo tin tưởng cho người xem. Khi xem trang web, các thông báo "bạn xxx đã đặt hàng" thường xuyên nhảy ra.
Chiêu lừa đảo không mới
Bán hàng giảm giá khủng là chiêu lừa đảo thường xuyên diễn ra tại Việt Nam. Tháng 4/2019, nhiều người phản ánh bị fan page bán chó cảnh giá rẻ lừa đảo.
Những giống chó như Husky, Alaska, mèo Anh lông ngắn... được bán với giá từ 800.000 đồng. Trong khi đó, giá thị trường của những loại thú kiểng này không dưới 2 triệu đồng.
"Chỉ cần vào trang này, hộp tin nhắn sẽ tự động mở lên. Người bán ngay lập tức hỏi em mua thú cưng nào. Họ yêu cầu em chuyển tiền bằng thẻ cào nửa giá trước rồi mới giao", Linh Chi, sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ. Sau đó, thẻ cào đã chuyển nhưng chó, mèo thì không thấy đâu.
Trước đó, đoạn quảng cáo tặng tai nghe Beats, chỉ cần thanh toán phí vận chuyển xuất hiện trên Facebook. Chỉ trong 13 giờ đăng tải, bài viết này nhận được 27.000 lượt thích, 3.000 bình luận và 425 lượt chia sẻ.
Để nhận được ưu đãi này, người dùng phải truy cập trang web để đặt mua. Trang web có giao diện trang rất chuyên nghiệp với các hiệu ứng chuyển cảnh, hình minh họa, phông chữ được đầu tư bài bản.
Phần nội dung của website này mô tả chi tiết về sản phẩm Beats Solo 3. Nổi bật nhất là dòng chữ "đặt mua miễn phí". Khi nhấp vào dòng chữ này, người dùng sẽ được dẫn đến trang đặt hàng.
Mặc dù món hàng được trang thông báo là miễn phí nhưng người dùng sẽ phải chịu khoản phí vận chuyển 30.000 đồng cộng thuế VAT 60.000 đồng. Số tiền này được trang yêu cầu chuyển khoản trước khi nhận hàng. Bên cạnh đó, trang này cũng yêu cầu người dùng cung cấp những thông tin như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại... Sau khi chuyển khoản số tiền này, chiếc tai nghe miễn phí không bao giờ xuất hiện.
Một quảng cáo mới chạy gần đây của trang chuyên lừa tặng máy đọc sách Kindle. Ảnh: Nhật Minh. |
Ngoài tặng tai nghe, chiêu trò lừa đảo này còn xuất hiện với sản phẩm là máy đọc sách. Điểm chung là hứa hẹn tặng các sản phẩm có giá nhiều triệu đồng, nhưng người dùng phải thanh toán phí vận chuyển dưới 100.000 đồng. Với hàng nghìn lượt bình luận, nếu được chuyển thành người mua thì đối tượng lừa đảo kiếm hàng chục triệu đồng.
Theo ông Lê Minh Hiệp, quản trị viên của một nhóm chuyên chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online, hình thức lừa đảo này không phải mới, đánh vào sự cả tin và ham rẻ của người dùng.
"Những bình luận tiêu cực đều được họ xóa đi. Thay vào đó, những tài khoản ảo, bình luận nội dung như thể đã mua được thú cưng khiến nhiều người tin", ông Hiệp nói thêm.
Đến nay, các trang web tặng miễn phí vẫn còn tồn tại, thậm chí mua quảng cáo trên Facebook.