Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thành điểm nóng của dư luận khi nhà đầu tư bị tố là chỉ quan tâm đến đất, không thích làm phim. Thực tế, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ sử dụng khu đất số 4 Thụy Khuê dưới hình thức thuê của nhà nước.
Tại họp báo ngày 27/9 về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến những khu đất vàng của Hãng phim này.
Thực tế, trong thời gian dài mấy chục năm qua, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ sử dụng khu đất số 4 Thụy Khuê dưới hình thức thuê của nhà nước. Khu đất này vẫn do thành phố Hà Nội quản lý và hãng phim chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như một số đơn vị khác. Thậm chí, thời hạn thuê đất của Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã hết từ lâu.
Hãng phim truyện Việt Nam "hậu cổ phần hóa" thành điểm nóng dư luận. |
Trước thực tế này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: Trường hợp DN không có giấy tờ pháp lý gì về đất đai, thì trách nhiệm đó theo Luật Đất đai. Chính quyền địa phương phải có thái độ với việc đó. Nếu anh không nộp thuế thì sẽ phải bị thu hồi. Còn nếu mảnh đất đó không đảm bảo các yếu tố pháp lý thì phải bàn giao lại cho địa phương. Hết thời hạn thuê thì phải trả lại đất.
“Đây chính là lỗ hổng trong quá trình quản lý theo Luật Đất đai chứ không phải lỗi trong cổ phần hóa. Quá trình cổ phần hóa mới phát hiện ra được vấn đề này. Nếu không chúng ta cứ nghĩ đất đó là của DNNN, cổ phần hóa mới vỡ lẽ ra là hết thời hạn thuê đất rồi”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ và cho hay, tới đây Luật quản lý tài sản công sẽ quản lý chặt chẽ hơn những loại tài sản này.
Trước nghi vấn nhà đầu tư “thâu tóm” Hãng phim truyện Việt Nam chỉ vì sở hữu nhiều đất vàng, sau này có thể làm bất động sản, đại diện Bộ Tài chính cho hay: Đất đai Hãng phim truyện Việt Nam quy hoạch thế nào thì sử dụng thế. Nếu trong quy hoạch làm trường quay, xưởng phim thì sẽ chỉ được làmn trường quay. Sau này nêu muốn chuyển mục đích sử đụng đất thì phải xin ý kiến TP. Hà Nội.
Vị Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng: Nếu chuyển sang xây chung cư, siêu thị,... thì thành phố sẽ thu lại hoặc Nhà nước sẽ xác định giá mới theo giá xây dựng bất động sản, trong đó có giá đất mặt tiền. Công ty cổ phần hóa đủ tiền trả cho nhà nước theo phương án mới thì làm. Không có tiền trả, đấu giá cho đơn vị khác khai thác đất.
Liên quan đến việc xác định đúng sai trong cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam, ông Đặng Quyết Tiến cho hay Thủ tướng đang giao Thanh tra Chính phủ tiến hành.
"Vấn đề đúng hay sai do các cơ quan làm. Bộ Tài chính chúng tôi ban hành quy trình, việc các đơn vị vận hành quy trình thế nào, có đúng hay không thì Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ" - ông Tiến nói.
Trước đó, sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2016, Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) chỉ bán được 115 ngàn cổ phần trong tổng số 525 ngàn cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án, sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp.
Nhìn vào thực tế, cổ phần VFS đã không được các nhà đầu tư nhỏ lẻ chào đón, giống như với Hãng phim Giải Phóng trước đây, lý do có lẽ một phần bởi tình hình làm ăn kém hiệu quả của các hãng phim nhà nước, bởi những thông tin hoạt động của VFS khá bê bết và lượng bán cổ phần ra không nhiều, khoảng 10%.
Với 5 triệu cổ phiếu và giá bán xấp xỉ mệnh giá, VFS có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/9/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng.
Đó là chưa kể đến thương hiệu và đất đai. Trong bản kết quả xác định giá trị DN, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn 1,4 hecta đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị DN khi cổ phần hóa.
L.Bằng