Những ngày vui nhất trong năm có lẽ là lúc người ta nghĩ đến những người thân yêu nhất. Mà có lúc những người thân yêu không còn ở bên mình. Nên trước khi ăn Tết, người ta lo chuyện cúng kiếng, chưng dọn bàn thờ và chăm sóc mồ mả ông bà. Ở trên đời, đâu có cuộc chia ly nào buồn ray rứt bằng cuộc tử biệt.
Biết là buồn, nhưng đường trần rồi cũng phải có lúc bước qua.
Nhớ năm ngoái, năm kia, sắp về quê ăn Tết còn lo mua xấp vải, hộp trà làm quà cho người thân. Nay gió chướng về, cũng thói quen cũ khi đi qua tiệm vải, tiệm trà bỗng thảng thốt rưng rưng khi nhớ rằng người không còn nữa. Tấm lòng mình, rồi đến lúc cũng không có nơi để mà thể hiện, ôi chao!
Những người già, mà cứ vài năm lại được con cháu đưa về đốt nhang ông bà, từ bực sông được dìu lên bờ rồi gắng gượng lắm mới có thể vào đến nhà, ta biết người như chiếc lá vàng gần đến hồi rơi rụng. Nhưng cũng có những người, mới hôm qua còn khỏe mạnh bình thường, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ở - đi lại đột ngột rời ta thì sự thể trở nên đau lòng quá đỗi. Vì nghĩ người còn gần, còn ở lâu bên cạnh, rồi bận bịu nên trì hoãn việc viếng thăm, chăm sóc hay bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn như đáng lẽ ra phải làm. Lòng người ở lại vì thế mà đầy hối hận, ăn năn, nặng trĩu.
Những khi đối diện với nghịch cảnh, phũ phàng hay thất vọng, người xưa luôn hiện về với ký ức vẹn nguyên, tươi rói và đẹp nao lòng. “Hồi đó, dì Hai làm bánh tét năm nhân ngon lắm. Dì sang lắm, xã giao rộng, biết chuyện nhiều, nên nói chuyện con cháu rất mê. Đám tiệc, ở xa ở gần dì đều đi hai ba ngày để lo cho chu đáo.
Hồi dì mất, có đâu hơn một ngàn người viếng tang”. “Còn bác Hai, tội nghiệp cả đời không đi ra khỏi tỉnh, hiền và thương con cháu lắm. Có trái mít chín cũng chờ tao về mới chịu xẻ ăn. Sống mấy chục năm ở trong xóm chưa từng mích lòng ai. Hồi “đi” cũng nhẹ nhàng, mặt đẹp mà tươi rói như hồi còn sống”.
Đó là những con người đã đi qua cuộc chiến, mất chồng hồi còn rất trẻ và sống cuộc đời còn lại với đàn con cháu của mình. Đã đi qua lẽ tử sinh, nên quý yêu nhiều cuộc sống. Những con người chỉ thấy cho đi mà chưa từng thở than hay đòi nhận điều gì ở cuộc đời này.
Người vừa khuất, những buổi cơm chiều cuối năm, những buổi họp mặt gia đình, bàn tiệc vắng một người, làm sao mà xua nỗi nhớ. Nên câu chuyện đầu năm, câu chuyện cuối năm không thể không nhắc đến thành viên gia đình, giờ đã ở thế giới bên kia.
Trong những cơn gió tháng chạp, ngoài khói đốt đồng thì vẫn hay phảng phất khói hương. Những điều chưa bày tỏ, những việc chưa làm giờ đây biết bù đắp bằng cách nào ngoài những lời khấn nguyện và chút ít hương hoa trà quả. Quả tình, lỗi lầm hay sơ suất gì đều có thể làm lại và sửa đổi hay xin lỗi; nhưng với người đã khuất thì cơ hội không còn. Tất cả đọng lại chỉ là niềm hối tiếc và nhung nhớ khôn nguôi. Người còn lại chỉ biết an ủi bằng cách tin rằng cõi bên kia chắc cũng nghe và hiểu thấu.
Ai xui gió chướng lại về!...
Lê Phú Cường/ theo TBKTSG
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt