Hội nghị với các bộ ngành sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024 vừa được Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 3/12 tại Hà Nội.

Đề cập vướng mắc với các dự án ODA, ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Vụ Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đa phần bị kéo dài thời gian thực hiện do sự khác nhau giữa quy định pháp luật trong nước với quy định của nhà tài trợ, nhiều thủ tục phức tạp.

Ong Son Bo NNPTNT.jpg
Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Vụ Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Bình Minh

“Với đấu thầu xây lắp quốc tế, 1 dự án mất 15,5 tháng. Trong đó, chuẩn bị hồ sơ, xin ý kiến mất khoảng 4 tháng, thời gian đấu thầu khoảng 3 tháng, đánh giá hồ sơ dự thầu 1,5 tháng, xét duyệt thầu khoảng 1 tháng, đàm phán hợp đồng khoảng 1 tháng... Trong khi các dự án trong nước chỉ mất 3-5 tháng là thực hiện xong”, ông Sơn nêu dẫn chứng cụ thể.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị “xây dựng khung chính sách tổng thể giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, làm sao rút ngắn thời gian thực hiện các dự án ODA”.

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính thông tin: Phía các nhà tài trợ cho biết họ có hướng dẫn về mua sắm áp dụng toàn cầu, áp dụng cả ở Việt Nam. Muốn có hướng dẫn mua sắm riêng cho Việt Nam thì cần phải lập luận thuyết phục xem có gì khác biệt, đặc thù Việt Nam.

Ong Hai Cuc Quan ly no.jpg
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính. Ảnh: Bình Minh

Cung cấp số liệu của các nơi rút vốn gửi đến Bộ Tài chính được ghi nhận để chuyển sang nhà tài trợ, bà Phạm Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng Quản lý dự án Trung ương, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nêu những con số không mấy tích cực: Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2024 của các bộ ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. 

Chỉ có 2/10 bộ, ngành giải ngân trên 50% kế hoạch vốn (Bộ Tài nguyên và Môi trường 87,76%, Bộ Giao thông vận tải 58,35%).

4/10 bộ và cơ quan ngang bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ thấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 39,41%, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam 29,79%, Đại học Quốc gia Hà Nội 6,75%, Đại học Quốc gia TPHCM 6,82%).

Đặc biệt, còn 4/10 bộ chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Y tế).

“Việc sử dụng vốn nước ngoài còn liên quan tới quan hệ quốc tế, uy tín quốc gia. Chúng ta cam kết vốn rồi phải trả nợ, trả các cam kết rút vốn, trả phí rút vốn… Tất cả dồn vào gánh nặng ngân sách. Hậu quả nhãn tiền. Cần phải cố gắng giải ngân nhanh”, ông Nguyễn Minh Tân, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Về kế hoạch năm 2025, bà Quế Anh, Cục Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, dự kiến vốn nước ngoài là 24.600 tỷ đồng; các bộ, ngành sẽ được giao 12.056,381 tỷ đồng.

“Các bộ, ngành cần dự toán sát thực tế. Trong dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 trình Quốc hội có phần giao Chính phủ xem xét trách nhiệm nếu xây dựng dự toán không sát với thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư thấp. Nghiên cứu chế tài xử lý với những trường hợp trả lại kế hoạch vốn hàng năm do nguyên nhân chủ quan”, bà Quế Anh lưu ý.

"Nhiều dự án ODA do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đang gặp khó khăn lớn trong công tác giải phóng mặt bằng. Kể từ ngày 1/8, khi Luật Đất đai mới chính thức có hiệu lực, các dự án gần như dừng lại phần giải phóng mặt bằng, với lý do chờ áp dụng khung giá mới. Vấn đề bất cập là trong một số dự án, các hộ dân tuân thủ chính sách chỉ được đền bù rất thấp, trong khi những hộ dân chây ỳ ở lại thì lại được đền bù cao hơn, dẫn đến nhiều khả năng khiếu kiện đối với các dự án trong giai đoạn tới", ông Nguyễn Thái Sơn, Vụ Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.