Tội phạm mua bán người là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, xâm phạm đến nhân quyền của nạn nhân, ảnh hưởng an ninh trật tự tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, chúng thường xuyên sử dụng chiêu trò giới thiệu việc nhẹ, lương cao.

Đằng sau những lời mời gọi hấp dẫn là những cái bẫy được giăng sẵn với nạn bóc lột, cưỡng ép lao động, bị đối xử tàn tệ. Đặc biệt hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm về mua bán người, tổ chức môi giới cho người xuất nhập cảnh trái phép...

Lực lượng biên phòng kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm về mua bán người. 

Có những trường hợp nạn nhân bị ép thực hiện các hành vi lừa đảo trên mạng, vận hành các hoạt động đánh bạc trực tuyến với khối lượng “chỉ tiêu” rất cao lên đến hàng trăm triệu đồng/ngày/tuần. Trong trường hợp nạn nhân không đạt yêu cầu có thể bị đánh đập hoặc bị bán cho đối tượng khác. Đa số các nạn nhân bị giam lỏng, bị đe dọa, đánh đập, bị chích điện và nếu muốn trở về gia đình sẽ phải trả một khoản tiền chuộc rất lớn…

Chúng còn chuyển sang hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tránh sự truy vết của lực lượng chức năng. Một số vụ việc được các lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thủ đoạn tinh vi, ngày càng biến tướng của loại tội phạm này.

Ngày 31/7, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Lương Thị Toàn, sinh năm 1983 và Moong Thị Nghệ, sinh năm 1990, cùng trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn về tội mua bán người theo Điều 150 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, vào khoảng đầu tháng 7/2023, Công an huyện Kỳ Sơn tiếp nhận đơn tố giác của chị X.T.D, sinh năm 1989, trú tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn về việc từng bị Moong Thị Nghệ và Lương Thị Toàn đưa sang nước ngoài bán cho người khác lấy làm vợ.

Vào khoảng tháng 3/2018, Lương Thị Toàn (lúc đó lấy chồng người nước ngoài) trở về Việt Nam để thăm gia đình. Trong những ngày ở quê, Toàn gặp Moong Thị Nghệ và nói chuyện hỏi thăm.

Sau đó, Toàn đặt vấn đề với Nghệ rằng, khi nào kiếm được người đi lấy chồng nước ngoài thì liên lạc với Toàn để đưa sang. Nếu phi vụ thành công, Nghệ sẽ được chia hoa hồng. Nghe vậy, Moong Thị Nghệ đồng ý.

Lợi dụng chị X.T.D. có hoàn cảnh khó khăn, Moong Thị Nghệ đã tiếp cận chị D. dụ dỗ, rủ rê chị D. đồng ý sang nước ngoài làm việc. Song, thực chất là bán chị D. sang làm vợ. 

Sau khi bàn bạc thống nhất với Lương Thị Toàn, Moong Thị Nghệ đã đưa chị X.T.D. đón xe khách ra thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi vượt biên trái phép bằng đường tiểu ngạch sang nước ngoài.

Tại đây, cả hai được vợ chồng Lương Thị Toàn đón và đưa về nhà. Vài ngày sau, vợ chồng Lương Thị Toàn bán chị D. làm vợ cho một người đàn ông. Moong Thị Nghệ được vợ chồng Toàn chia với số tiền hơn 20 triệu đồng. 

Ngày 3/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Vi Hồng Luân, sinh năm 2003, trú tại thôn Mai Hiên, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang về hành vi mua bán người.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Văn Lâm phát hiện vụ việc mua bán nhân viên làm việc tại quán karaoke. Ngay sau khi nhận được báo cáo vụ việc, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy tập trung xác minh, điều tra.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Lâm xác định, Vi Hồng Luân và Lường Văn Dũng, sinh năm 2007, trú tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được thuê để quản lý nhân viên nữ phục vụ rót bia, bấm bài hát cho một số quán karaoke.

Luân và Dũng thường lên mạng xã hội Facebook để đăng bài tuyển nhân viên, với lời rủ rê “việc nhẹ, lương cao”. Vào khoảng đầu tháng 7/2023, thấy bài đăng tuyển nhân viên của Dũng, Lê Thị Y., sinh năm 2005, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã liên hệ với Dũng trao đổi và đồng ý đi làm cho Dũng.

Sau đó, Y. rủ thêm Ven Thị G., sinh năm 2006 và Ven Thị M., sinh năm 2008 là hai chị em ruột trú tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đi làm cùng.

Khoảng 15h ngày 16/7/2023, Dũng đón Y., G., M. về phòng trọ thuộc khu A Tập thể Địa chất, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Đến khoảng 20h tối cùng ngày, Dũng đi dự sinh nhật bạn, Luân quản lý Y., G., M. ở khu nhà trọ. Sau đó, Luân bảo với Y., G., M. là không làm ở đây mà sẽ đi làm ở chỗ khác thì cả ba đều không đồng ý. Luân đã quản lý hết điện thoại của 3 người, không cho liên lạc ra ngoài.

Sau đó, Luân đăng bài lên Facebook là có ba nhân viên nợ chủ số tiền 20 triệu đồng, ai có nhu cầu tuyển nhân viên thì liên hệ với số điện thoại của Luân.

Sau khi có người hỏi về 3 nhân viên nữ, Luân đã giao dịch, bán 3 cô gái cho một chủ quán karaoke ở Vĩnh Phúc với số tiền 20 triệu đồng. Luân bắt các cô gái nói dối là đang nợ Luân 20 triệu đồng.  

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Lâm đã tập hợp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi vi phạm của Luân, đồng thời xác định được nơi Y., G., M. đang làm việc để đưa các em về với gia đình.

Bằng chiêu trò tuyển dụng lao động làm việc nhẹ trên máy tính với mức lương cao, Viên Đình Mạnh, trú tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã dụ dỗ, lôi kéo 6 người, trong đó có em trai mình bán qua Campuchia.

Sáng 4/8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam đối tượng Viên Đình Mạnh để điều tra về hành vi mua bán người. Theo điều tra ban đầu, khoảng đầu năm 2019, Mạnh quen biết với một người đàn ông tên là Đốc (chưa xác định được nhân thân, lai lịch).

Tháng 3/2022, thông qua điện thoại, Đốc nói với Mạnh tìm người đưa sang Campuchia làm việc nhẹ trên máy tính với mức lương 700 USD/tháng. Theo đó, Đốc sẽ trả công cho Mạnh 5 triệu đồng/người/tháng làm việc. Nạn nhân càng làm việc lâu thì Mạnh càng nhận được nhiều tiền.

Vì hám lợi nên Mạnh đã dụ dỗ, lôi kéo 6 nạn nhân cùng trú tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp đưa xuống TP HCM cho Đốc và được Đốc đưa trước số tiền 50 triệu đồng. Sau đó, Đốc đưa 6 nạn nhân sang Campuchia bán vào các công ty chuyên hoạt động lừa đảo và đánh bạc trên mạng.

Đến giữa tháng 7/2022, có 2 nạn nhân trong số 6 người nói trên muốn về lại Việt Nam thì Đốc yêu cầu phải nộp 180 triệu đồng. Đầu tháng 8/2022, khi người thân chuyển đủ số tiền trên thì 2 nạn nhân được thả về lại Việt Nam.

Có thể thấy, nạn nhân mà các đối tượng thường nhắm đến là thanh, thiếu niên mới lớn, nhẹ dạ cả tin, người ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết, đã tin tưởng và theo các đối tượng đi làm ăn xa.

Thời gian tới, để phòng chống nạn mua bán người hiệu quả, chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh có đường biên giới giáp với các nước bạn, cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép, lừa bán vào các tụ điểm đánh bạc.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh lao động trái phép. Đặc biệt là lồng ghép tuyên truyền vào các chương trình giáo dục tại các trường học, chương trình thanh niên tại địa phương...

Lực lượng biên phòng, công an cần tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán người; tập trung vào những địa bàn trọng điểm, các khu vực cửa khẩu, nhất là đường mòn, lối mở, đường tắt qua lại biên giới.

Tăng cường quan hệ, hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và tổ chức tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Huỳnh Tuấn Kiệt, Vũ Thị Lụa

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV