Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, xác định công tác thông tin tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, người dân, người có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về.
Thái Nguyên ban hành kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. |
Các hoạt động được chú trọng như: Đẩy mạnh truyền thông về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động, mua bán người thông qua tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại; chính sách, pháp luật, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; các mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông.
Tổ chức các hoạt động mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) hàng năm, phù hợp với chỉ đạo của UBND tỉnh, và tình hình thực tiễn tại địa phương. Xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các hoạt động sân khấu hóa; xây dựng pano, áp phích, tờ rơi, phóng sự…về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông bằng tiếng dân tộc, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Để giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán trở về sớm hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã kết nối các dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Đặc biệt tỉnh cũng chuẩn bị tốt công tác tiếp nhận, thông tin, báo cáo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; xử lý thông tin, tư vấn, chuyển tuyến các nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán. Lưu ý xây dựng và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng phù hợp với từng địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Để phòng chống mua bán người hiệu quả, chương trình nội dung mua bán người được lồng ghép vào các chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Đồng thời ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho những nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ, cung cấp kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em đối với trẻ em bị mua bán.
Tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán vay vốn từ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình vay vốn khác tại địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân về di cư lao động hợp pháp, an toàn và hiệu quả; tập huấn cho cán bộ địa phương trong việc hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống lừa đảo việc làm trong nước và ngoài nước. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xác minh, điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không có chức năng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sở LĐTB&XH cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân; thống kê số liệu về hỗ trợ nạn nhân. Hàng năm, tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các hoạt động môi giới, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện công tác thống kê số liệu nạn nhân bị mua bán trở về, phân tích số liệu thống kê theo các nhóm: giới tính, độ tuổi, mục đích bị mua bán, các chế độ, chính sách đã được hỗ trợ… Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật tình hình, thống kê, báo cáo về công tác hỗ trợ nạn nhân phục vụ quản lý dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người.
Để công tác phòng, chống mua bán người đạt kết quả, Sở LĐTB&XH tỉnh thái Nguyên đã ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước; huy động sự tham gia, đóng góp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Bích Thủy