Theo báo cáo của Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hạ tầng dịch vụ thương mại trong những năm gần đây được các địa phương quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện.
Bước đầu hình thành hệ thống phân phối hàng hoá, như các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hoá, cửa hiệu tạp hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đầu tư 446 tỷ đồng phát triển thương mại vùng miền núi, hải đảo. |
Trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa của nhiều địa phương, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển đổi đáng kể theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho hay, Chính phủ đã quyết định đầu tư 446 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 ở 287 huyện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của 48 tỉnh khu vực miền núi, hải đảo…
Ngoài ra, nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép, bố trí ngân sách để đầu tư/kêu gọi tổ chức đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng thương mại tại địa phương như Bắc Kạn, Bến Tre, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Đắk Lăk, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lâm Đồng, Lai Châu.
Được biết, bộ Công thương đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 02 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo.
Như Sỹ