Bàn về hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay, TS Vũ Trường Giang và ThS Trịnh Thị Thúy (Học viện Chính trị khu vực 1, Học viện Chính trịn Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hệ giá trị gia đình Việt Nam có vị trí và vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay, và được thể hiện qua những điều sau:
Hệ giá trị gia đình Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội:
Trải qua nhiều biến động, thay đổi của thời cuộc, những truyền thống tốt đẹp của gia đình đã kết tinh thành hệ giá trị gia đình mang tính bền vững, đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn; là tình yêu thương, sự đùm bọc, chở che; là truyền thống hiếu học, trọng danh dự.
Sự ổn định, phát triển của mỗi gia đình góp phần duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội.
Những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống đã tạo không gian, môi trường văn hóa lành mạnh để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, nhận thức của con người theo hướng nhân văn, tốt đẹp. Hạn chế những xung đột, đẩy lùi những cái xấu, cái ác. Giá trị gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và việc thực hiện chức năng xã hội, là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc, mà còn có vai trò duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội.
Hệ giá trị gia đình góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc:
Theo lập luận của TS Vũ Trường Giang và ThS Trịnh Thị Thúy, gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.
Hiện nay, phần lớn các dân tộc ở Việt Nam đã phát huy được vai trò của thiết chế gia đình trong việc lưu giữ những nét văn hóa tốt đẹp của tộc người và trao truyền cho các thế hệ con cháu, điển hình như các hoạt động gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục, ẩm thực truyền thống, cưới xin, ma chay, thờ cúng tổ tiên... Chính việc thực hành những nét văn hóa đó trong gia đình đã góp phần trao truyền văn hóa tộc người từ đời này qua đời khác.
Thông qua việc này, đã tạo nên nhân cách văn hóa mang dấu ấn, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn của mỗi tộc người trong thế hệ trẻ. Đây cũng chính là hướng gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc một cách bền vững.
Có thể nói, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với hệ giá trị gia đình. Hệ giá trị gia đình gắn chặt với chức năng, sứ mệnh mà gia đình đảm đương, đó là nơi duy trì nòi giống, huyết thống; là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi người; nơi bồi đắp tình cảm, tư tưởng, trao truyền tri thức, kinh nghiệm…
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, vì vậy đầu tư cho gia đình cũng là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước"