Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% thu nhập bình quân trong khu vực.

{keywords}
Đầu tư hơn 400.000 tỷ đồng cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Báo cáo đề xuất của Ủy ban Dân tộc trình nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn đối với các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên. Tổng vốn thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 204.000 tỷ đồng và trong giai đoạn 2026 – 2030 là hơn 210.500 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn như ngân sách trung ương, địa phương, vốn tín dụng chính sách, các nguồn lực khác. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hàng năm trên 3%, tăng thu nhập của các hộ gia đình dân tộc thiểu số gấp trên 2 lần so với năm 2019 và đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%. Ủy ban Dân tộc đề xuất 10 dự án thuộc một số lĩnh vực khác nhau.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia lớn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng bào có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn.

Thủ tướng nhất trí với nội dung Chương trình là nên tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Cần rà soát kỹ các công trình kết cấu hạ tầng khác như điện, đường, trường, trạm..., chỉ đầu tư những công trình thực sự cần thiết mà chưa được đầu tư trước đây. Chương trình cần nghiên cứu để đưa vào các giải pháp cụ thể hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Hoài Linh
Ảnh: Hồng Khanh